(Chinhphu.vn) – Công trình đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối có tổng chiều dài gần 520km, gồm hai mạch kép đường dây, được liên kết bởi 1.177 vị trí móng cột, đi qua địa bàn 211 xã/phường, của 43 huyện/thị xã thuộc 9 tỉnh từ Bắc…
Ngành điện đã lập thêm một “kỳ tích” mới trên công trình đường dây 500kV mạch 3 khi đã thi công thần tốc một công trình khó, trong một khoảng thời gian ngắn kỷ lục, chỉ hơn 7 tháng kể từ khi khởi công (ngày 18/1/2024), tạo nên một công trình đẹp, thiết thực chào mừng kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam.
Cái nhất đầu tiên phải kể đến đối với dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối, đó là công trình được triển khai sớm nhất trong Quy hoạch Điện VIII. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg (ngày 15/5/2023) phê duyệt Quy hoạch điện phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Tại Quy hoạch này, dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối (bao gồm cụm các dự án đường dây 500 kV cung đoạn Quảng Trạch – Quỳnh Lưu – Thanh Hóa – Nam Định 1 – Phố Nối) dự kiến được đưa vào vận hành trong giai đoạn 2025 – 2026.
Chỉ trong thời gian rất ngắn, từ tháng 6 đến tháng 10/2023 (khoảng 4 tháng), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN),Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã tập trung triển khai quyết liệt, cùng các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và 9 địa phương có tuyến đường dây đi qua hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư cả 4 dự án thành phần của dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối.
Cuối tháng 10/2023, đã tổ chức khởi công dự án đường dây 500kV Nam Định 1 – Phố Nối, đây là sự án được khởi công sớm nhất, và cũng hoàn thành sớm nhất trong 4 dự án thành phần của tuyến đường dây (đóng điện thành công ngày 30/6/2024).
Các dự án thành phần còn lại của tuyến đường dây cùng với trạm biến áp (TBA) 500kV Thanh Hoá (được đầu tư mới) và mở rộng ngăn lộ của 2 TBA hiện hữu (là TBA 500kV Phố Nối và TBA 500kV Quảng Trạch) được đồng loạt khởi công vào ngày 18/01/2024.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ: “Chỉ bàn làm, không bàn lùi” là điểm nhấn đặc biệt đáng kể đối với dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối.
Xác định đây là dự án trọng điểm, cấp bách, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia, nhất là đối với khu vực miền Bắc, giúp nâng công suất truyền tải điện cho khu vực Bắc – Trung đang từ khoảng 2.200MW lên khoảng 5.000MW, góp phần đáng kể bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc. Vì thế, tất cả vì đường dây 500kV mạch 3 với phương châm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, trên chỉ đạo quyết liệt, dưới tích cực làm theo.
Kể từ khi khởi công đến khi hoàn thành công trình chỉ trong vòng 7 tháng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có 10 lần chủ trì các cuộc họp và đến công trường kiểm tra, đôn đốc, động viên người lao động, chia sẻ với người dân địa phương nhường đất cho dự án.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Đây là một dự án trọng điểm quốc gia, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các bộ, ngành có liên quan, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các tỉnh, các địa phương có đường dây đi qua. Đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và chúng ta phải làm bằng được để góp phần cung cấp đầy đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng và kinh doanh”.
Cùng với các chương trình, kỳ họp của Chính phủ, Thường trực Chính phủ về tình hình kinh tế – xã hội, các buổi làm việc trực tiếp của các Phó Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra tiến độ thi công, cung cấp vật tư thiết bị của dự án, thì từ tháng 3 đến tháng 6/2024 Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án năng lượng trọng điểm quốc gia (Ban chỉ đạo) do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì đã tổ chức họp giao ban trực tuyến định kỳ 2 tuần/lần với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và 9 địa phương có đường dây đi qua để cập nhật tiến độ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
Nhờ thế, công tác giải phóng mặt bằng chỉ mất hơn 3 tháng, nhanh nhất so với bất cứ một công trình truyền tải điện 220-500kV nào được triển khai từ trước đến nay, là điều kiện để các đơn vị thi công nhanh dự án.
Phương án 4 tại chỗ (bao gồm: thiết bị thi công tại chỗ, lao động tại chỗ, vật liệu xây dựng tại chỗ và thực hiện đền bù tại chỗ) cũng đã được phát huy hiệu quả ở công trình này.
Đơn cử tại tỉnh Nam Định, bà Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, các đơn vị thi công trên địa bàn tỉnh Nam Định cũng đều thuê máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, vật tư tại địa phương và sử dụng khoảng 85% lao động của địa phương. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các huyện phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty truyền tải điện quốc gia, chỉ đạo chính quyền các xã hỗ trợ phối hợp với các đơn vị thi công và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc triển khai dự án trên địa bàn đảm bảo theo đúng tiến độ.
Và không thể không nhắc tới sự đồng hành, tham gia hỗ trợ của đông đảo người dân địa phương, nơi có dự án đi qua.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối là công trình có khối lượng thi công lớn nhất và được ứng dụng nhiều công nghệ mới nhất trong các công trình đường dây 500kV mạch 3.
Mặc dù chiều dài toàn tuyến có 519km, nhưng được thiết kế gồm hai mạch kép nên tổng chiều dài của đường dây lên tới 1.038km. Dự án có 1.177 vị trí móng cột, trong đó có 240 vị trí được thiết kế móng cọc, 123 vị trí là cột DO (cột ống) lần đầu tiên được thi công tại công trình này. Chiều cao trung bình của cột là trên 70m, trong đó có nhiều vị trí cột cao lên tới 145 mét.
Dự án cần khối lượng thiết bị lớn, riêng cột thép lên tới gần 139.000 tấn, trong đó khoảng 83% sản xuất trong nước, còn lại 17% từ nhập khẩu.
Tại công trình này, việc thi công các vị trí móng đã khó (khối lượng san gạt lớn, nhiều vị trí gặp đá xanh rất cứng…) song, để có thể thi công dựng được những chiếc cột cao, với khối lượng thiết bị lớn, nhà thầu đã phải huy động máy cẩu cỡ lớn, lên tới hơn 400 tấn.
Ông Nguyễn Sỹ Thắng, Giám đốc Truyền tải điện Hà Tĩnh đơn vị tham gia tư vấn giám sát và chỉ đạo thi công nhiều vị trí tại cung đoạn Quảng Trạch – Quỳnh Lưu, cho biết, việc sử dụng cẩu là một trong những thuận tiện, có những chiếc cẩu lên đến 450 tấn nên làm rất nhanh. Việc thứ hai là làm móng chủ yếu sử dụng bê tông thương phẩm, phần tiếp địa có thể khoan và sử dụng bột GEM, khoan xong là sử dụng bột GEM để giảm điện trở suất của tiếp địa, để tháo sét tốt.
Rải dây mồi bằng UAV, kéo dây bằng hệ thống tời hãm và tời kéo liên kết với nhau chứ không kéo thủ công như ngày xưa.
Với một công trình có quy mô lớn, áp dụng nhiều công nghệ mới, tiến độ gấp nhưng trong suốt quá trình thi công lại gặp thời tiết hết sức bất lợi, khó lường. Trên toàn tuyến vừa diễn ra nắng gắt, xen kẽ nhiều đợt mưa lũ kéo dài. Nhiều khu vực thi công khó khăn do địa hình núi cao, gió Tây Nam thổi mạnh. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành điện đã huy động đội ngũ công nhân hùng hậu tham gia thi công hỗ trợ nhà thầu trên công trường.
Cao điểm trên công trường toàn tuyến đường dây có tới 15 nghìn lao động của cả các nhà thầu, cán bộ công nhân có tay nghề từ các đơn vị trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)… tham gia thi công/ hỗ trợ thi công công tác dựng cột và kéo dây cho các dự án.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối với gần 520km đường dây mạch kép đã được hoàn thành. Cùng với gần 1.180km của hai đường dây 500kV mạch 3 từ miền Trung vào miền Nam đã được đầu tư xây dựng trước đó, gồm dự án đường dây 500kV mạch 3 Pleyku – Mỹ Phước – Cầu Bông (đóng điện, mang tải từ ngày 6/5/2014) và dự án đường dây 500kV Quảng Trạch – Vũng Áng – Pleiku 2 (đóng điện, mang tải từ ngày 17/8/2022) tạo thêm một tuyến đường dây 500kV mạch 3 hoàn chỉnh, kết nối từ Bắc vào Nam.
Đây là công trình quan trọng liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia, không chỉ góp phần đảm bảo cấp điện cho miền Bắc ngay ở thời điểm hiện tại, mà việc xây dựng, thi công công trình trong một khoảng thời gian ngắn đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho người lao động ngành điện Việt Nam.
Toàn Thắng