Dậy phèn cũng tác động đến môi trường và sản xuất hai bên đường cao tốc

(KTSG) – Quyết định xây hai cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng trên mặt đất, và do thiếu cát sông nên Bộ Giao thông Vận tải phải cho thí điểm sử dụng cát biển để san lấp. Sự chú ý…

Fatz Admin lúc 2024-08-24

(KTSG) – Quyết định xây hai cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng trên mặt đất, và do thiếu cát sông nên Bộ Giao thông Vận tải phải cho thí điểm sử dụng cát biển để san lấp. Sự chú ý đã được tập trung vào vấn đề nhiễm mặn khi sử dụng cát biển để san lấp, nhưng không chỉ yếu tố mặn mà yếu tố phèn cũng cần được quan tâm.

Sự quan tâm ngày càng tăng khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quyết định mở rộng thí điểm dùng cát biển để san lấp một cách đại trà cho đoạn Hậu Giang – Cà Mau dài khoảng 55 ki lô mét kể từ đầu tháng 7-2024. Đi kèm với việc mở rộng thí điểm là việc hạ âm nền cao tốc từ 60-100 cen ti mét, nền đắp có độ chặt K≤95 và cô lập cát biển đổ vào bằng vải địa kỹ thuật.

QUẢNG CÁO

Ngày 29-7-2024 trong chuyến đi Bạc Liêu làm việc, tác giả bài viết có cơ hội tham gia đoàn đi thực địa trên một đoạn cao tốc Cần Thơ – Cà Mau qua xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, nơi đã tiến hành thí điểm dùng cát biển để san lấp thay cát sông một đoạn dài 600 mét trên đường ĐT 978 từ tháng 3-2023.

Ý định ban đầu là tìm hiểu tại hiện trường việc triển khai dùng cát biển để san lấp, cụ thể là việc hạ âm, các công đoạn, và tác động đến môi trường – một nội dung mà tác giả đã đề cập(1). Tiếc rằng trên đoạn đến khảo sát chưa triển khai việc sử dụng cát biển. Tuy vậy chuyến đi thực địa đã cung cấp một số thông tin và cho thấy khi sử dụng cát biển thay cát sông để san lấp thì ngoài yếu tố mặn, còn cần quan tâm đến yếu tố phèn.

Trước khi đi thực địa, một số thông tin về đoạn cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã được sưu tập (bảng 1)(2). Đáng chú ý là cao độ tự nhiên bình quân rất thấp, 0,205 cen ti mét; thổ nhưỡng là đất phèn hoạt động, phèn tiềm tàng, nông và sâu và nông mặn; địa chất công trình rất yếu cho đến 13 mét sâu; hệ thống canh tác là lúa tôm.

Nhận xét và khuyến nghị

1. Cát biển chưa được sử dụng để san lấp trên địa bàn đoạn cao tốc đoàn đã đến xem, ngoại trừ đoạn 600 mét đường của tỉnh lộ ĐT 978. Do đó chưa thấy được hệ quả của việc hạ âm.

2. Việc đào đất trong phần giải phóng mặt bằng để đắp bờ cao tốc và làm đường đã đào bới lên một khối lượng đất mà đoàn chưa có được số liệu. Dù vậy yếu tố thổ nhưỡng đã tác động lên môi trường hai bên cao tốc là đã được trông thấy.

3. Thổ nhưỡng tại địa bàn là đất phèn hoạt động và tiềm tàng, nông và sâu. Có nơi là đất phèn tiềm tàng nông, mặn.

4. Khi các loại đất phèn này bị đào xới lên, jarosite và pyrite phơi bày ra không khí, bị oxy hóa (màu vàng chanh) đã được nước mưa rửa, chảy vào ruộng và vào đường nước dọc cao tốc. Một phần nước này đã đổ ra Kênh xáng Hòa Bình ở chân cầu cao tốc tại lý trình km80+590.

5. Chính cơ chế tác động này giải thích độ pH thấp, bằng 4,5 trên ruộng và tại đường nước song song với cao tốc, và bằng 6,7 tại Kênh xáng Hòa Bình là có cơ sở mặc dù chỉ đo một lần, và được thể hiện thêm ở cây chỉ thị năn kim và màu nước cẩm thạch.

6. Chỉ số pH ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa và tôm. Vì vậy rất cần theo dõi thường xuyên, định kỳ để đánh giá tác động lên môi trường, lên sản xuất và sinh kế của các nông hộ ở hai bên cao tốc, trong khi thi công cao tốc, và sau khi cao tốc đi vào hoạt động.

GS.TS. Võ Quang Minh, Đại học Cần Thơ, khoa Nông nghiệp, Khoa học Đất, cho biết: “Thông thường ngưỡng bắt đầu ảnh hưởng đến cây lúa là <5 và ảnh hưởng tăng dần đến <3.5 thì cây lúa chết. Tuy nhiên sự ảnh hưởng sẽ nhiều nhất khi cây ở giai đoạn mạ, giảm dần khi cây đâm chồi tích cực, và đòng trổ, nhưng sẽ ảnh hưởng đến sự trổ bông, hạt sẽ bị lép (khi cây càng trưởng thành thì sự chống chịu càng cao). Ảnh hưởng còn tùy thuộc vào giống kháng, địch hại, tình trạng dinh dưỡng của đất và cây”.

7. Khi sử dụng cát biển để san lấp cho cao tốc đoạn Hậu Giang – Cà Mau đi qua Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau, việc hạ âm 60-100 cen ti mét sẽ đào xới và di chuyển một lượng đất phèn khá lớn. Như đã thấy qua chuyến thực địa, không chỉ có yếu tố nhiễm mặn, mà còn yếu tố pH trong nước vì tác động của nó đến môi trường, sản xuất và sinh kế của người dân hai bên cao tốc.

8. Báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM của tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, do vậy càng phải làm lại(3).

(*) GS. TSKH. Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước, Chủ nhiệm Chương trình khoa học nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983-1990), đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI.
(1) Nguyễn Ngọc Trân, Cách nào bảo đảm sử dụng cát biển san lấp làm cao tốc không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường? 
(2) Nguyễn Ngọc Trân, Thách thức, tính khả thi và sự phát triển bền vững của cao tốc Cần Thơ – Cà Mau xây dựng trên mặt đất, trong sách Những hòn đá nhỏ vì sự phát triển bền vững, Quyển 2, Đồng bằng sông Cửu Long, tác giả Nguyễn Ngọc Trân, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TPHCM, 2023, ISBN 978-604-479-309-2, trang 313-321.
(3) Nguyễn Ngọc Trân, Đánh giá tác động môi trường Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau liệu đã ổn? 01-06-2023,
https://thesaigontimes.vn/danh-gia-tac-dong-moi-truong-cao-toc-can-tho-ca-mau-lieu-da-on

Nguyễn Ngọc Trân (*)

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.