Cần hơn 200 tỉ đô la để phát triển hạ tầng giao thông tới năm 2030

(KTSG Online) – Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030 là phát triển hệ thống giao thông hợp lý, nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng ở các đô thị lớn với tổng nguồn vốn hơn 200 tỉ đô la, tập…

Fatz Admin lúc 2024-08-22

(KTSG Online) – Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030 là phát triển hệ thống giao thông hợp lý, nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng ở các đô thị lớn với tổng nguồn vốn hơn 200 tỉ đô la, tập trung vào đường sắt.

Các dự án đường sắt đô thị như metro Bến Thành – Suối Tiên (TPHCM) sẽ được ưu tiên đầu tư trong định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030. Ảnh: LÊ VŨ

Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa ra định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 trên các lĩnh vực nhằm huy động nguồn lực, nguồn vốn, theo TTXVN.

Hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới đây đã được hoạch định về nguồn vốn đầu tư cho các dự án có tính lan tỏa, kết nối giữa các lĩnh vực, vùng miền nhằm tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội.

QUẢNG CÁO

Theo Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), hạ tầng giao thông Việt Nam đã có những phát triển đáng ghi nhận với hơn 24.300 km quốc lộ, 2.000 km đường bộ cao tốc, 6.800 km đường thủy nội địa, 2.640 km đường sắt quốc gia, 298 bến cảng, 22 cảng hàng không và nhiều công trình quan trọng, quy mô lớn được đầu tư.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như sự mất cân đối giữa các dự án hạ tầng. Nguyên nhân chủ yếu do chưa đáp ứng đủ vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Mục tiêu đặt ra cho định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030 là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hợp lý, tận dụng lợi thế của các phương thức vận tải, nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng ở các đô thị lớn.

Với vận tải đường bộ, đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn. Ước tính tổng mức đầu tư các dự án đến năm 2030 vào khoảng 25 tỉ đô la.

Bộ Giao thông Vận tải tập trung xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM. Theo tính toán riêng lĩnh vực đường sắt, tổng mức đầu tư các dự án đến năm 2030 vào khoảng 151 tỉ đô la, bao gồm cả đường sắt đô thị.

Với đường thủy nội địa, ngành Giao thông Vận tải chú trọng cải tạo nâng cấp các tuyến chính có mật độ vận tải cao; tập trung phát triển các tuyến vận tải thủy ven biển khu vực miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Tổng mức đầu tư các dự án đến năm 2030 vào khoảng 11 tỉ đô la.

Lĩnh vực hàng hải sẽ cải tạo nâng cấp các luồng hàng hải quan trọng, phát triển các khu bến cảng Lạch Huyện, Cần Giờ, Vân Phong, Trần Đề với tổng mức đầu tư đến năm 2030 hơn 4 tỉ đô la.

Về hàng không, Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên tập trung cho một số cảng hàng không lớn khu vực Hà Nội và TPHCM với tổng mức đầu tư đến năm 2030 vào khoảng 17 tỉ đô la.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ huy động nguồn lực đầu tư về cơ chế chính sách, huy động nhiều nguồn vốn “rót” vào hạ tầng giao thông. Song song đó, cơ quan này cũng xây dựng và công bố danh mục các dự án phát triển hạ tầng giao thông đề kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP và đầu tư nước ngoài giai đoạn đến năm 2030 và sau năm 2030.

Nguyên Tân

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.