Thị trường vàng thế giới tuần qua tương đối sôi động khi giá biến động liên tục với biên độ lớn do chịu tác động bởi các dữ liệu kinh tế cùng các yếu tố địa chính trị. Bước vào tuần mới, vàng giao ngay được giao dịch với mức giá trên 2.430 USD/ounce trước khi “phi mã” nhờ lực cầu trú ẩn an toàn do lo ngại căng thẳng leo thang khi lực lượng Israel tiếp tục các hoạt động gần thành phố Khan Younis, phía nam Gaza.

Tuy nhiên, sau đợt tăng giá, áp lực chốt lời đã khiến vàng mất đi gần hết những gì có được vào đầu tuần. Trong phiên giao dịch cuối của tuần, kim loại quý này đã có ngày tăng giá tốt nhất trong tuần và kết thúc tuần một cách ngoạn mục, tăng vọt lên mức cao kỷ lục mới trên cả thị trường giao ngay và tương lai. Kết thúc tuần, giá vàng giao ngay neo ở mức 2.508,7 USD/ounce, tăng 77 USD so với mức chốt phiên tuần trước.

 Giá vàng thế giới chính thức vượt mốc 2.500 USD/ounce. Ảnh: Kitco

Theo giới chuyên gia, đà tăng của vàng trong tuần chủ yếu được thúc đẩy bởi các dữ liệu kinh tế. Vào thứ Sáu, kim loại quý này liên tục chinh phục các mốc kỷ lục mới khi dữ liệu công bố trong ngày đã làm dấy lên lo ngại rằng rủi ro giảm tăng trưởng đang nhanh chóng lấn át rủi ro tăng lạm phát vốn đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương trong 2 năm qua.

Theo Trưởng phòng giao dịch Phil Carr của The Gold & Silver Club, vàng đã tăng giá không ngừng kể từ tháng 10 năm ngoái. Từ mốc gần 1.800 USD/ounce, kim loại quý này liên tiếp tăng vọt và chinh phục các mức cao kỷ lục rất nhiều lần trong năm, ghi nhận mức tăng 38% kể từ tháng 10.  

Carr lưu ý, sự bứt phá mạnh mẽ của vàng có liên quan mật thiết tới nợ chính phủ tại Mỹ. Ông dẫn chứng, trong giai đoạn nợ quốc gia của Mỹ tăng vọt từ 5.000 tỷ lên 35.000 tỷ USD, giá vàng đã tăng gấp 8 lần kể từ năm 2000.  “Đây là lúc mọi thứ thực sự bắt đầu trở nên thú vị. Nếu lịch sử lặp lại, giá vàng có thể đạt 5.000 USD/ounce khi nợ quốc gia của Mỹ cán mốc 70.000 tỷ USD”, Carr nói.

Các ý kiến khác cho rằng, yếu tố thúc đẩy đà tăng của vàng thời gian qua là nhu cầu trú ẩn an toàn mạnh khi những lo ngại liên quan đến chính trị và kinh tế ngày càng tăng cao.

Nói về biến động của vàng trong tuần tới, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, thị trường vàng sẽ “nghỉ ngơi” trong tuần tới sau một tuần sôi động. Nhà môi giới hàng hóa cao cấp Bob Haberkorn của RJO Futures cho rằng, giá vàng thế giới sẽ cán mốc 2.600 USD/ounce khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá kim loại quý này sẽ đi ngang hoặc giảm giá.  

Theo Haberkorn, thị trường có thể đã dự báo quá sớm mức giảm 50 điểm cơ bản của Fed. Ông cho rằng, Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể sẽ không vội vàng với mức giảm này tại cuộc họp sắp tới, bởi mặc dù lạm phát đã giảm một chút, nhưng nó vẫn cao hơn so với mức mục tiêu mà Fed đặt ra.

Haberkorn khẳng định rằng, thị trường vàng đang ở xu hướng tăng. Tuy nhiên, mức 2.500 USD/ounce vừa bị phá vỡ là mức cao và rất khó để thu hút những người mua mới đến với thị trường ở mức cao như vậy. 

Cùng quan điểm, Anuj Gupta, Trưởng phòng hàng hóa và tiền tệ của HDFC Securities, cho rằng, xu hướng tăng giá của vàng vẫn còn và hướng đi của kim loại quý sẽ phụ thuộc vào đường hướng chính sách của Fed. Ông cho rằng, phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Hội nghị chuyên đề Jackson Hole vào tuần tới sẽ cho thấy một bức tranh rõ nét hơn về lộ trình chính sách của Ngân hàng Trung ương Mỹ.

Theo đó, nếu ông Powell tỏ ra lo lắng về tăng trưởng kinh tế hoặc nhấn mạnh về lạm phát giảm, điều này có thể củng cố khả năng cắt giảm lãi suất mạnh hơn. Ngược lại, nếu ông lạc quan và không đưa ra cam kết cụ thể, thị trường có thể phải điều chỉnh lại những kỳ vọng hiện tại.

 Giá vàng miếng niêm yết ở mốc 80 triệu đồng/lượng. Ảnh: vietnamnet

Tại thị trường trong nước, sau chuỗi ngày duy trì ở mốc 78,5 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng bất ngờ tăng mạnh 1,5 triệu đồng vào ngày 13-8 lên cán mốc 80 triệu đồng và duy trì ổn định ở mức này cho đến cuối tuần. Trong khi đó, giá vàng nhẫn liên tiếp biến động tăng-giảm với biên độ hẹp và duy trì dưới mốc 78 triệu đồng/lượng.

Vào lúc 13 giờ ngày 17-8, giá vàng miếng SJC neo ở mức 80 triệu đông/lượng. Hiện tại, nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 3,7 triệu đồng/lượng.  

TRẦN HOÀI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.