Trong quá trình chuẩn bị hội nghị, các cơ quan chức năng của thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp và sàng lọc trên 66 lượt kiến nghị của 57 doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, được tổng hợp theo 6 lĩnh vực với 20 nhóm vấn đề.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về các vấn đề như chính sách hỗ trợ, cơ chế giải quyết thủ tục hành chính và các yêu cầu về tài chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa – xã hội.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu kết luận hội nghị. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết đây là hội nghị thứ 4 Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp để cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ các đơn vị thực hiện nhiệm vụ kinh doanh của mình.

Chủ tịch UBND Thành phố cho hay, những năm gần đây, kinh tế Hà Nội có bước phát triển vững vàng hơn các tỉnh khác trên nhiều mặt, văn hóa xã hội có nhiều khởi sắc, từ nghệ thuật biểu diễn, làng nghề, thể thao, du lịch, dịch vụ, y tế và kể cả giáo dục. Có kết quả đó là công sức của nhiều thành phần, trong đó có sự góp sức của doanh nghiệp ngoài nhà nước, người lao động hoạt động trong lĩnh vực này.

“Thành phố trân trọng và đánh giá cao của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, nỗ lực và tinh thần yêu ngành, yêu nghề. Từ đó xác định được trách nhiệm của thành phố với các doanh nghiệp ngày càng lớn hơn, mặc dù thành phố đã có nhiều cố gắng trong tăng cường kỷ luật kỷ cương, thay đổi cách nghĩ cách làm, đổi mới hiện đại hóa quy trình”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ.

Chủ tịch UBND Thành phố cho biết Thành ủy – HĐND – UBND luôn quan tâm đến các lĩnh vực này bằng các hành động, việc làm cụ thể như tổng kết các nghị quyết của Bộ Chính trị về Hà Nội. Mới đây, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thông qua, trong đó có nhiều điều sẽ mở đường về quan điểm ở các lĩnh vực cụ thể, có lĩnh vực văn hóa – xã hội.

Quang cảnh Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – xã hội trên địa bàn TP Hà Nội.

Thành phố đặt kỳ vọng lớn vào thay đổi nhiều hơn, căn bản hơn về lĩnh vực văn hóa – xã hội, đồng thời cũng kiến nghị với Chính phủ những vấn đề cụ thể như có cơ chế PPP (hợp tác công tư) để giải quyết các vấn đề liên quan đến văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, du lịch để doanh nghiệp cùng hưởng, cùng nhau phát triển.

Liên quan đến một số kiến nghị cụ thể, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị tổng hợp lại một cách đầy đủ, phân loại các nhóm kiến nghị cấp trên và giải quyết ngay nếu thuộc thẩm quyền, có điều chỉnh phù hợp để tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động.

“Mong doanh nghiệp chia sẻ với thành phố, chấp hành chính sách cho đúng, trách nhiệm của các cơ quan là tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động đúng quy định, tồn tại bằng uy tín”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu các cơ quan, sở ngành giải quyết công việc có thời hạn, đưa qua quan điểm giải quyết và có thông báo cụ thể đến cho doanh nghiệp; thái độ tốt nhất, trách nhiệm cao nhất, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển, đoàn kết, xây dựng con người, văn hóa, sức khỏe, tâm hồn để Thủ đô ngày càng văn minh, phát triển, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Tin, ảnh: LINH CHI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.