(Chinhphu.vn) – Trong 36 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất điện thoại, Samsung sản xuất gần 6,3 tỷ sản phẩm công nghệ trên toàn cầu. Trong tổng sản lượng đó, hơn 2 tỷ sản phẩm công nghệ gắn nhãn “Made in Vietnam” đã được xuất xưởng từ 2…
Ông Park Sung Ho, Tổng giám đốc Samsung Electronic Việt Nam – Thái Nguyên, người đứng đầu cả hai nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đã khiến chúng tôi bất ngờ với những con số đầy kỳ tích chỉ sau 16 năm, từ năm 2008 khi Samsung bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Những con số ấn tượng đó thôi thúc chúng tôi tìm hiểu nhiều hơn nữa về những gì đang diễn ra bên trong các nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung, nơi vẫn được nhắc đến với danh xưng “cứ điểm sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung trên toàn cầu”.
Tại đây, những dòng điện thoại cao cấp nhất của Samsung đã được ra đời. Trong đó, điển hình nhất là dòng điện thoại gập thế hệ mới ra mắt vào tháng 7/2024, gồm Samsung Galaxy Z Fold 6 và Galaxy Z Flip 6 đều được sản xuất tại nhà máy Thái Nguyên và Bắc Ninh.
Chúng tôi bắt đầu hành trình tìm hiểu từ phòng Điều hành sản xuất, nơi được coi là trung tâm đầu não của xưởng sản xuất với các dữ liệu liên quan đến năng suất, chất lượng, an toàn,… được quản lý và phân tích theo thời gian thực giúp người quản lý nhanh chóng, dễ dàng và chính xác hơn trong việc ra quyết định.
Tại Samsung, mô hình nhà máy thông minh “Smart Factory” được áp dụng tại các xưởng sản xuất với hệ thống quản lý bảo đảm dòng chảy thông tin vận hành được thông suốt và liên tục. Dựa trên những báo cáo được tổng hợp từ hệ thống phòng điều khiển trung tâm với dữ liệu chi tiết, các kỹ sư cũng dễ dàng nắm bắt được tình hình sản xuất, phối hợp cùng các bộ phận để triển khai sản xuất linh hoạt, kịp thời, tối ưu.
Tại các dây chuyền sản xuất, tỉ lệ tự động hóa liên tục được nâng cao để giải phóng nhân viên khỏi nhiều thao tác và công đoạn nặng nhọc, vất vả. Tự động hóa tại Samsung được định nghĩa là hướng tới những dây chuyền sản xuất thông minh và hiện đại hơn thông qua việc liên tục cải tiến, chứ không đồng nghĩa với việc cắt giảm nhân sự như mọi người vẫn nhầm tưởng.
Chia sẻ thêm cho chúng tôi về những câu chuyện cải tiến tại Samsung, ông Nguyễn Xuân Quyền, Trưởng phòng cấp cao bộ phận Cải tiến sản xuất, nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên cho biết: “Tinh thần cải tiến của nhân viên Samsung Thái Nguyên luôn ở mức cao. Trong 7 tháng đầu năm 2024, có tất cả 5.200 nhân viên tham gia cải tiến tại SEVT, trong đó có 3.606 cải tiến đăng ký trên hệ thống quản lý Samsung toàn cầu. Đặc biệt, 115 cải tiến xuất sắc trong số đó đã được áp dụng ở các nhà máy khác của Samsung trên toàn cầu”.
Tinh thần cải tiến được Samsung nuôi dưỡng và khích lệ đã trở thành nét văn hóa đặc trưng tại các xưởng sản xuất, nơi mọi nhân viên đều có thể đưa ra ý tưởng cải tiến, mọi cấp bậc đều được cọi trọng như nhau. Và cũng trong 7 tháng đầu năm, công ty đã chi khoảng 3 tỷ đồng cho các hoạt động cải tiến của cá nhân và bộ phận.
Đón chúng tôi tham quan dây chuyền sản xuất Galaxy Z Flip 6, là mẫu điện thoại cao cấp mới nhất của Samsung hiện tại, ông Dương Ngọc Duy – trưởng bộ phận Sản xuất nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên cho biết: “Người Việt Nam vận hành chính và tham gia tất cả các công đoạn trong nhà máy sản xuất, từ những người trực tiếp đứng trên dây chuyền sản xuất đến trưởng phòng, giám đốc các bộ phận. Công ty đầu tư bài bản vào kỹ năng chuyên môn của người sản xuất để sản phẩm có chất lượng tốt nhất và đáp ứng yêu cầu khách hàng. Đặc biệt, nhân lực người Việt Nam cũng đóng góp nhiều vào nghiên cứu và phát triển (R&D) như cải tiến dây chuyền, ứng dụng công nghệ. Những cải tiến từ Việt Nam còn được công nhận và ứng dụng rộng rãi tại các nhà máy khác của Samsung trên toàn thế giới”.
Điều đó đã dần khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của người Việt Nam, tiên phong trong việc sản xuất các mẫu điện thoại cao cấp nhất của Samsung như Galaxy Z Fold 6 và Galaxy Z Flip 6.
Chứng kiến sự tự tin, chuyên nghiệp và làm chủ công nghệ sản xuất của những người lao động tại nhà máy SEVT và được nghe chia sẻ về phương châm hoạt động S-M-A-R-T của nhà máy từ ông Park Sung Ho, Tổng giám đốc Samsung Electronic Việt Nam – Thái Nguyên, chúng tôi mới hiểu rằng con người chính là nhân tố quan trọng đứng sau những kỳ tích và đó cũng chính là lý do khi yếu tố con người tại Samsung lại luôn được chú trọng và đưa lên hàng đầu.
Theo ông Park Sung Ho, với khẩu hiệu “Dream comes true”, Samsung muốn thể hiện ý nghĩa là hiện thực hóa ước mơ của mỗi cá nhân, của Samsung để cống hiến những giá trị tốt đẹp cho xã hội Việt Nam. “Vì thế phương châm hoạt động được chúng tôi đặt ra là S.M.A.R.T, với ba mục tiêu: Con người là số 1 – Sản phẩm là số 1 – Môi trường là số 1. Cụ thể, phương châm S.M.A.R.T hướng tới các khía cạnh S-Study về đào tạo và học tập cho nhân viên, M-Mind về suy nghĩ tích cực, cải tiến và sáng tạo, A-Action hướng tới những hành động chuẩn bị cho tương lai, R-Relationship hướng tới sự phát triển đồng thịnh vượng, T-Target nhằm tạo ra môi trường làm việc tốt và an toàn cho nhân viên”, ông Park Sung Ho chia sẻ.
“Nếu như ở Việt Nam có những cứ điểm sản xuất điện thoại di động lớn nhất trên thế giới, thì các nhân viên của chúng tôi là những nhân viên hàng đầu trên thế giới, nên chúng tôi luôn coi trọng giá trị con người là số 1. Chúng tôi cũng có nhiều hoạt động để tạo ra sản phẩm Made in Việt Nam với chất lượng hàng đầu, hiệu suất sản xuất hàng đầu. Tiếp theo, cả môi trường và hệ thống của chúng tôi cũng đều phải là số 1”.
Trong phần chia sẻ của mình, ông Park đã khiến chúng tôi cảm động khi thể hiện sự quan tâm đặc biệt với những nhân viên nữ đang mang thai trong công ty mà theo ông nói là “những người ở độ tuổi 20, vẫn còn trẻ nhưng đã trở thành những người mẹ”.
Đồng cảm và thấu hiểu, nhà máy đã bố trí các dây chuyền sản xuất đặc biệt dành riêng cho các nữ nhân viên đang mang thai với tên gọi Mommy Line. Tại các dây chuyền sản xuất Mommy Line, nhà máy bố trí ghế ngồi và yêu cầu công việc vừa sức với các thao tác tối giản cho những nhân viên đang mang thai, giúp bảo đảm sức khỏe cho mẹ và thai nhi trong khi vẫn hoàn thành tốt công việc sản xuất.
Trong chuyến thăm nhà máy lần này, chúng tôi hiểu thêm rằng, mô hình “Smart Factory” tại Samsung không chỉ là nhà máy thông minh đơn thuần, đằng sau phương châm S-M-A-R-T là những giá trị nhân văn lớn trong việc phát triển con người, lấy con người làm trung tâm cho mọi hoạt động.
Một trong những chính sách thể hiện Samsung luôn đặt con người là yếu tố quan trọng nhất là việc chú trọng vào đào tạo giúp nhân viên liên tục được bồi dưỡng và nâng cao trình độ cũng như tư duy.
Samsung còn vận hành những chương trình đào tạo đặc biệt như cao đẳng nội bộ, đại học nội bộ – hình thức đào tạo do Công ty liên kết với các trường cao đẳng/đại học trên địa bàn để đào tạo trình độ cao đẳng/đại học hệ chính quy ngay trong công ty). Những nhân viên hoàn thành chương trình đào tạo này không chỉ được nâng cao trình độ mà còn có cơ hội thi tuyển lên vị trí công việc cao hơn, với thu nhập và con đường thăng tiến rộng mở hơn.
Hệ thống ký túc xá của các nhà máy Samsung gồm 45 tòa nhà với 5.274 phòng đủ cung cấp chỗ ở cho hơn 18.000 nhân viên. Các tòa nhà ở được trang bị hệ thống điều hòa, phòng trang điểm, phòng giặt,… đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của nhân viên.
Các ký túc xá này luôn được coi là thành phố thu nhỏ với đầy đủ dịch vụ, tiện ích dành cho các nhu cầu học tập và giải trí như thư viện, phòng hát karaoke, rạp chiếu phim, phòng thể hình, hiệu cắt tóc…
Những nhân viên sinh sống cách công ty trong bán kính 60 km vẫn có thể đi/về trong ngày nhờ hệ thống xe buýt đưa đón hằng ngày cả ca ngày và ca đêm. Hiện Samsung đang cho vận hành 110 tuyến xe buýt với 800 xe buýt 45 chỗ chất lượng cao đưa đón nhân viên tới các nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TPHCM.
Samsung vận hành 14 nhà ăn tại các nhà máy ở Việt Nam. Các nhà ăn này có thể phục vụ cùng lúc hơn 23.000 người với số lượng suất ăn trung bình cung cấp theo ngày khoảng 117.000 suất. Thực đơn được thay đổi đa dạng với khoảng 13 loại thực đơn mỗi ngày phù hợp với từng bữa sáng/trưa/tối/đêm.
Nguyễn Đức