Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,48% so với tháng trước.

So với tháng 12-2023, CPI tháng 7 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,36%.

Tháng 7, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá; riêng nhóm bưu chính, viễn thông giá không đổi so với tháng trước.

 Người tiêu dùng mua sắm hàng nông sản chất lượng tại hệ thống bán lẻ của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: qdnd.vn 

Cũng theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 7 tháng năm 2024 tăng 4,12% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính đến ngày 24-7, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.383,17 USD/ounce, tăng 1,49% so với tháng 6-2024. Giá vàng thế giới tăng khi các nhà đầu tư dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9-2024, cùng với đó rủi ro xung đột địa chính trị trên thế giới cũng làm tăng nhu cầu tích trữ vàng.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 7-2024 giảm 0,12% so với tháng trước; tăng 18,11% so với tháng 12-2023; tăng 29,39% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 24,77%.

KHÁNH AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.