Giá dầu thế giới
Theo Dailyfx, lúc 5 giờ 30 phút ngày 19-7, giá dầu Brent và WTI đều giảm nhẹ.
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 18-7, giá dầu gần như đi ngang khi các nhà đầu tư “vật lộn” với những tín hiệu trái chiều về nhu cầu dầu.
Giá dầu trái chiều trong phiên giao dịch ngày 18-7 với dầu Brent tăng 3 cent, dầu WTI giảm 3 cent. Ảnh minh họa: Reuters |
Giá dầu Brent tăng 3 cent lên mức 85,11 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 3 cent xuống mức 82,82 USD/thùng. Cả dầu Brent và WTI đều đã tăng xấp xỉ 2% ở phiên giao dịch ngày 17-7.
Theo Reuters, trong tuần trước, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tăng nhiều hơn dự kiến trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu cấp tiểu bang tăng 20.000 lên mức đã điều chỉnh theo mùa là 243.000 trong tuần kết thúc vào ngày 13-7.
Dữ liệu này củng cố thêm lý do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cần đẩy nhanh kế hoạch cắt giảm lãi suất để thúc đẩy chi tiêu nhiều hơn vào dầu.
Tamas Varga của công ty môi giới dầu mỏ PVM tin tưởng rằng kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất trong tương lai không xa sẽ hạn chế được xu hướng giảm của giá dầu.
Các quan chức Fed ngày 17-7 cho biết, Ngân hàng Trung ương Mỹ đang tiến gần hơn đến việc cắt giảm lãi suất do lạm phát được cải thiện và thị trường lao động cân bằng hơn, có thể tạo tiền đề cho việc giảm chi phí đi vay vào tháng 9.
Trong khi đó, thị trường tài chính dự đoán sẽ có thêm những đợt cắt giảm lãi suất nữa vào tháng 11 và tháng 12.
Theo báo cáo do Fed công bố ngày 17-7, hoạt động kinh tế của Mỹ tăng trưởng ở mức vừa phải từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7. Nhiều công ty dự báo mức tăng trưởng sẽ chậm hơn trong thời gian tới.
Theo John Kilduff, đối tác tại Again Capital ở New York, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng cũng báo hiệu sự nới lỏng kinh tế có thể làm giảm nhu cầu dầu và ngăn giá dầu tăng cao hơn.
Cũng theo Kilduff, mặc dù tồn kho dầu của Mỹ giảm 4,9 triệu thùng trong tuần trước, nhiều hơn dự báo của các nhà phân tích, nhưng nhu cầu xăng yếu của Mỹ đã cản trở giá dầu tăng cao.
Mặc dù tồn kho dầu của Mỹ giảm 4,9 triệu thùng trong tuần trước, nhiều hơn dự báo của các nhà phân tích, nhưng nhu cầu xăng yếu của Mỹ đã cản trở giá dầu tăng cao. Ảnh minh họa: Reuters |
Tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất, cũng tác động đến giá. Ngày 18-7, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ra tín hiệu rằng Bắc Kinh sẽ duy trì chính sách kinh tế, mặc dù có rất ít chi tiết cụ thể được tiết lộ.
Ngân hàng Trung ương châu Âu đã giữ nguyên lãi suất như dự kiến và không đưa ra gợi ý nào về động thái tiếp theo, với lý do áp lực giá trong nước vẫn ở mức cao và lạm phát sẽ cao hơn mức mục tiêu cho đến tận năm sau.
Reuters trích dẫn một số nguồn tin cho biết tại cuộc họp cấp bộ trưởng của OPEC+ dự kiến diễn ra vào đầu tháng 8 sẽ khó có khuyến nghị thay đổi chính sách sản lượng dầu của nhóm, bao gồm cả kế hoạch bắt đầu gỡ bỏ cắt giảm sản lượng dầu thô từ tháng 10.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 19-7 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 22.174 đồng/lít. Xăng RON 95-III không quá 23.178 đồng/lít. Dầu diesel không quá 20.504 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 20.664 đồng/lít. Dầu mazut không quá 17.611 đồng/kg. |
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 18-7. Giá dầu hỏa giảm nhiều nhất, 374 đồng/lít, tiếp đến là dầu diesel giảm 330 đồng/lít, dầu mazut giảm 173 đồng/kg. Mức giảm của giá xăng khiêm tốn hơn với xăng E5 RON 92 giảm 108 đồng/lít, xăng RON 95-III giảm 116 đồng/lít. Đây là lần giảm thứ 2 liên tiếp của giá xăng dầu trong nước.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95-III, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
MAI HƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.