A.I (KTSG Online) – Việc đầu tư các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc đã sôi động ở lại, bắt đầu từ khâu đấu thầu dự án. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đã siết chặt yêu cầu thầu và doanh nghiệp cũng tính toán “đến từng xu”…
(KTSG Online) – Việc đầu tư các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc đã sôi động ở lại, bắt đầu từ khâu đấu thầu dự án. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đã siết chặt yêu cầu thầu và doanh nghiệp cũng tính toán “đến từng xu” để việc đầu tư có hiệu quả tốt hơn.
Lựa chọn được nhà đầu tư nhiều trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông
Bổ sung nhiều quy chuẩn mới cho trạm dừng nghỉ đường bộ
Hết thời đầu tư manh mún
Trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, có 4 trạm dừng nghỉ đã tìm được nhà đầu tư và đang triển khai xây dựng. Đó là, trạm dừng nghỉ Km 144+90 Dự án thành phần Vĩnh Hảo-Phan Thiết, trạm dừng nghỉ Km 329+700 thuộc dự án thành phần Mai Sơn-Quốc lộ 45, trạm dừng nghỉ Km 90+900 thuộc Dự án thành phần Cam Lâm-Vĩnh Hảo và trạm dừng nghỉ Km 47+500 thuộc Dự án thành phần Phan Thiết-Dầu Giây.
Cùng với đó, từ cuối 2023, 24 trạm dừng nghỉ khác trên tuyến cao tốc này cũng đã được gọi thầu .
Trong đó, hiện có 8 trạm đang tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, 8 trạm đã phê duyệt thông tin dự án tại các dự án thành phần, 5 trạm đang hoàn thiện thủ tục về quy mô, vị trí với địa phương để phê duyệt thông tin dự án và 3 trạm đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan đến dự án thành phần.
Yêu cầu đặt ra đối với các bên dự thầu đầu tư các trạm dừng nghỉ là nhà đầu tư phải từng kinh doanh hoặc là thành viên liên danh kinh doanh, khai thác dịch vụ chuyên ngành đường bộ. Nhà đầu tư phải đáp ứng một trong hai điều kiện: có quyết định công bố trạm dừng nghỉ loại 1 (tổng diện tích mặt bằng trạm là 10.000 m2 và các phân khu chức năng theo quy định) đưa vào khai thác hoặc có quyết định công bố trạm dừng nghỉ loại 2, loại 3 hoặc loại 4 (từ 5.000m2 trở xuống và các phân khu chức năng). Tất cả các trạm đều phải có trạm cấp nhiên liệu và khu kiểm tra bảo dưỡng sửa chữa phương tiện.
Nếu không đáp ứng các tiêu chí trên thì nhà đầu tư phải là doanh nghiệp đã từng kinh doanh khai thác ít nhất hai dịch vụ: bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới hoặc trung âm cứu hộ, cứu nạn giao thông đường bộ và trạm cấp nhiên liệu xăng dầu, ô tô điện, dịch vụ bến bãi, đỗ xe.
Những yêu cầu này được đánh giá là sẽ giúp loại bỏ các nhà đầu tư “tay mơ” khỏi dự án, giúp việc quy hoạch và đầu tư các trạm dừng nghỉ chuyên nghiệp hơn.
Trao đổi với KTSG Online, một chuyên gia quy hoạch đường bộ lâu năm, cho biết nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng có những nhà đầu tư đầu tư trạm dừng nghỉ nhưng thực chất chỉ làm kinh doanh ăn uống hoặc bãi đỗ xe nên không hiệu quả. Đây là những nhà đầu tư nhỏ, cách thức đầu tư manh mún hoặc thiếu các phân khu chức năng quan trọng cho trạm dừng như trạm cấp nhiên liệu, trạm sửa chữa bảo dưỡng xe…
Trong khi đó, với các tuyến cao tốc được đầu tư hiện đại, có lưu lượng xe rất lớn như cao tốc Bắc-Nam thì việc đòi hỏi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tiềm lực kinh tế trong lĩnh vực này là cần thiết.
Với yêu cầu đấu thầu mới, nhà đầu tư cũng khó bỏ bê dự án sau khi thắng thầu vì chỉ có thời gian 15 tháng để hoàn thành việc xây dựng, đưa vào vận hành. Cùng với đó, nhà đầu tư cũng phải đầu tư nhiều dịch vụ miễn phí như bãi đỗ xe, phòng nghỉ tạm, khu vệ sinh, phòng trực của nhân viên cứu hộ… để gia tăng tiện ích cho hành khách và xe cộ qua lại.
Nhiều tính toán của nhà đầu tư
Cũng như các nhà đầu tư vào các dự án BOT đường bộ, việc đầu tư vào các dự án trạm dừng nghỉ là việc “bỏ tiền to, thu tiền nhỏ” vì mỗi trạm phải đầu tư trăm tỉ đồng nhưng số tiền thu lại nhỏ, có khi chỉ vài chục ngàn đồng/lượt khách và cần nhiều thời gian để hoàn vốn.
Vì vậy, nếu không tính toán kỹ các vấn đề như dung lượng xe lưu thông trên tuyến cao tốc, lượng khách ra vào trạm, vị trí đặt trạm, việc tổ chức vận hành mô hình kinh doanh phù hợp để thu hút tài xế, hành khách vào trạm… thì dù có tiềm lực tài chính, nhà đầu tư vẫn có thể đối mặt với nguy cơ thua lỗ.
“Chúng tôi cử người đến các điểm đầu, cuối của cao tốc mới đưa vào sử dụng để đếm lượng xe lưu thông nhằm đánh giá việc đầu tư vào các trạm dừng nghỉ lớn có khả năng thu hồi vốn và sinh lời hay không. Chúng tôi không tham gia khi chưa “đong đếm” được hiệu quả”, đại diện một chủ đầu tư nói.
Trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã thắng thầu để phát triển trạm dừng trên cao tốc. Gần đây nhất, liên doanh CTCP Tập đoàn xăng dầu Petrolimex – Công ty xăng dầu Thừa Thiên- Huế đã trúng thầu Dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km 39+700 thuộc Dự án thành phần Mai Sơn- Quốc lộ 45. Chi phí thực hiện dự án là 201,6 tỉ đồng, chi phí nộp ngân sách là 111 tỉ, không bao gồm chi phí hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng.
Ở dự án khác, nhiều nhà đầu tư cũng đã được chọn. Trong đó, liên danh FUTABUSLINES- Thành Hiệp Phát đã trúng thầu ba dự án, gồm trạm dừng nghỉ Km 90+900 thuộc Dự án thành phần Cam Lâm – Vĩnh Hảo; trạm dừng nghỉ Km 144+560 thuộc Dự án thành phần Vĩnh Hảo – Phan Thiết; trạm dừng nghỉ Km 47+500 thuộc Dự án thành phần Phan Thiết – Dầu Giây.
FUTABUSLINES là nhà đầu tư có tiếng trong mảng đầu tư trạm dừng nghỉ. Doanh nghiệp này đã đầu tư trạm dừng Satra tại Tiền Giang với quy mô 12 héc ta, thu hút hàng ngàn lượt khách ra vào trạm mỗi ngày cùng một số trạm khác ở phía Nam. Việc trúng thầu ba trạm dừng nghỉ liền kề nhau trên cao tốc Bắc-Nam từ Dầu Giây- Phan Thiết- Vĩnh Hảo-Cam Lâm với khoảng cách đầu cuối khoảng 300 km, tuyến đường huyết mạch có lưu lượng lưu thông lớn này sẽ giúp đảm bảo hiệu quả kinh doanh tổng thể cho các nhà đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư khác cũng bắt đầu tham gia “cuộc chơi”. Trong đó, một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có thị phần lớn nhất nước, cho biết nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang lấn sân sang kinh doanh các chuỗi giá trị có liên quan để hỗ trợ đắc lực mảng kinh doanh chính. Trong đó, có những doanh nghiệp đã kinh doanh siêu thị nhỏ, phân phối thêm các sản phẩm gia dụng tại các cây xăng nhưng hiệu quả chưa cao. Vì vậy, việc tham gia đầu tư vào các trạm dừng vừa giúp mở rộng được địa bàn kinh doanh xăng dầu vừa nới rộng chuỗi giá trị của doanh nghiệp.
“Chúng tôi không đứng ngoài cuộc chơi được nữa”, ông nói và cho biết từ nhiều năm nay, việc tìm đất có diện tích lớn tại các tuyến đường cao tốc, quốc lộ để mở các trạm xăng, trạm sạc… đã trở nên rất khó khăn. Thậm chí, tại một số địa phương, công ty đã không thể mở thêm được cây xăng nào trong nhiều năm nay. Vì vậy, đầu tư trạm dừng cũng mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp.