Sản xuất ở công ty cổ phần gỗ Minh Dương, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. 

Nguyên nhân khiến xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm 2024 tăng mạnh trở lại là do nhu cầu cao các thị trường tiêu thụ chính sản phẩm đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam. Cụ thể: Hoa Kỳ đạt 4,38 tỷ USD, tăng 27,6%; Trung Quốc đạt 1,059 tỷ USD, tăng 46,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu gỗ và nguyên liệu 1,29 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Do đó, 6 tháng đầu năm 2024 ngành lâm nghiệp xuất siêu đạt 6,66 tỷ USD, tăng 21,6%, riêng sản phẩm đồ gỗ xuất siêu lớn nhất 6,16 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Số tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng 6 tháng đầu năm 2024 của cả nước đạt khoảng 1.521 tỷ đồng.

Về phát triển rừng, từ đầu năm đến nay cả nước đã trồng mới rừng tập trung 125,5 nghìn ha, đạt 51,2% kế hoạch, tăng 1,2% so với cùng kỳ; trồng 44,6 triệu cây phân tán, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023, dự kiến năm 2024, cả nước sẽ trồng 130 triệu cây.

Về khai thác gỗ rừng trồng tập trung (rừng sản xuất) cả nước đạt 9,93 triệu m3, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Khu rừng sản xuất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp  La Ngà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai).

Trong 6 tháng cuối năm 2024, ngành lâm nghiệp sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp; Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời tăng cường quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp, chú trọng khâu chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây bản địa, thâm canh rừng phù hợp với hệ sinh thái để nâng cao năng suất, sản lượng rừng trồng, phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn. Phát triển các hình thức liên kết, hợp tác, chia sẻ lợi ích trong chuỗi sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp. Tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), đẩy mạnh triển khai dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon (CO2) và phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng. Triển khai các hoạt động về bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; sử dụng môi trường rừng bền vững.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.