Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Nguyễn Mạnh Thiều, Phó giám đốc Học viện Tài chính chia sẻ: “Tình hình kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục gặp nhiều rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững. Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng tích cực nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần”.
PGS, TS Nguyễn Mạnh Thiều, Phó giám đốc Học viện Tài chính phát biểu khai mạc hội thảo. |
Tại Việt Nam, kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến theo xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023; lạm phát cơ bản tăng 2,75%. Các số liệu trên đã dẫn đến những lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát trong cả năm 2024.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính lại nhận định, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn, việc lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu là do tác động từ các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III-2023.
Không có nhiều yếu tố gây tăng giá đột biến trong 6 tháng cuối năm 2024. Vì vậy, có thể kỳ vọng tốc độ tăng giá trong 6 tháng cuối năm sẽ ở mức tương đương so với trong 6 tháng đầu năm 2024. Dự báo lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ xoay quanh mức 3,2 – 3,6%.
Quang cảnh hội thảo. |
Tại hội thảo, các chuyên gia cùng chia sẻ nhận định, dự báo kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2024 sẽ tiếp tục diễn biến tích cực khi đà phục hồi tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì, các nền tảng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh tham mưu để Chính phủ ban hành các giải pháp, biện pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá.
Tin, ảnh: MINH HUYỀN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.