(Chinhphu.vn) – Để đẩy nhanh tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ cận biên lên mới nổi cần tháo gỡ được các điểm nghẽn, thị trường cần có sự chung tay của các bên, từ cơ quan quản lý đến các đơn vị thành viên…
Đây là nội dung được trao đổi tại Hội thảo “Tạo động lực nâng hạng TTCK” do Báo Lao Động phối hợp cùng Bộ Tài chính, UBCKNN tổ chức chiều 2/7 tại Hà Nội.
Theo các chuyên gia, phát triển TTCK tự do, hiệu quả luôn được coi là một trong những tiêu chí cốt yếu để đánh giá mức độ phát triển nền kinh tế thị trường của một quốc gia, vùng lãnh thổ. Do đó, nâng hạng TTCK sẽ là tín hiệu quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, cho thấy Việt Nam đang trên đà phát triển thành một nền kinh tế thị trường theo đúng bản chất.
Từ đó, góc nhìn của các nhà đầu tư quốc tế về môi trường đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ có chuyển biến tích cực hơn. Đồng thời, việc này sẽ là cú hích gián tiếp dành cho mục tiêu từng bước nâng bậc tín nhiệm quốc gia theo “Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030” theo Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Các chuyên gia tham gia hội thảo đều thống nhất cho rằng, để một TTCK phát triển bền vững, đó phải là một TTCK thực sự “khỏe mạnh”, minh bạch, đảm bảo công bằng cho tất cả nhà đầu tư tham gia thị trường.
Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (UBCKNN) cho biết, Bộ Tài chính, UBCKNN đã và đang nỗ lực không ngừng trong việc đổi mới và hoàn thiện khung khổ chính sách và điều hành, từ đó giúp TTCK Việt Nam khẳng định sức hút mạnh mẽ của mình sau hơn hai thập kỷ hoạt động.
Điều này được minh chứng qua chất lượng hàng hóa trên sàn, quy mô giao dịch, cũng như số lượng nhà đầu tư tham gia ngày càng tăng, với chất lượng được nâng cao liên tục. Tổng vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM đến ngày 31/5/2024 đạt xấp xỉ 10 triệu tỷ đồng, tương đương 97,35% GDP 2023 (GDP theo giá hiện hành). Thị trường cũng ghi nhận có tới 42 DN có vốn hóa hơn 1 tỷ USD. Số lượng tài khoản chứng khoán cũng chứng kiến mức tăng mạnh mẽ, từ 2.771.409 vào cuối năm 2020 lên 7.938.060 vào 31/5/2024, tương đương mức tăng trưởng kép 54,57% mỗi năm.
Hiện nay, TTCK Việt Nam đang được FTSE Russell đưa vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 – Thị trường Mới nổi. Việc nâng hạng TTCK sẽ là tín hiệu rõ ràng, cho thấy Việt Nam đã tiến bước dài hơn trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khẳng định vị thế và nâng cao hình ảnh không chỉ của riêng TTCK Việt Nam mà còn của cả nền kinh tế đối với cộng đồng quốc tế.
Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết: Thực tế hiện nay trên thị trường có 42/42 DN có vốn hóa thị trường trên 1 tỉ USD. Nếu so sánh với các nước trong khu vực thì nước ta không hề ít “DN tỉ đô”, Việt Nam hiện có những DN có vốn hóa thị trường lớn đang chờ đợi TTCK nâng hạng mới niêm yết.
Bên cạnh đó, có những yếu tố chủ quan có thể khắc phục như phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) trong 1 thời gian có thể giảm. DN muốn thu hút nhà đầu tư tham gia vào IPO gặp khó khăn vì thời gian có cổ phiếu trên thị trường không kéo dài. Trong thời gian qua, UBCKNN đã đưa ra các giải pháp để tích hợp IPO và niêm yết. Việc này giúp DN lớn thu hút nhà đầu tư và nguồn vốn lớn. UBCKNN đang nghiên cứu và có giải pháp ban đầu, trong thời gian tới sẽ đưa vào các Dự thảo, Thông tư và Nghị định.
Ông Bùi Hoàng Hải phân tích: Việc nâng cao chất lượng hàng hóa là mục tiêu từ những đề án tái cấu trúc TTCK, chiến lược phát triển TTCK. Tuy nhiên, có những tiêu chí để xác định chất lượng hàng hóa trên TTCK.
Thứ nhất, chất lượng công bố thông tin. Trên TTCK, thông tin rất quan trọng. Nếu không minh bạch thì TTCK không thể thực hiện chức năng phân bổ nguồn vốn hiệu quả. Để có thông tin chất lượng, đáp ứng yêu cầu cao, cần thời gian dài từ việc thay đổi ý thức của DN. DN cần có ý thức tự giác trong việc công bố thông tin không phải từ cơ quan quản lý bắt buộc mà chính từ lợi ích của DN.
Thứ hai, quản trị công ty. Cơ quan quản lý cũng đưa ra những yêu cầu tối thiểu để nâng cao quản trị công ty. DN mới chỉ dừng lại ở mức tuân thủ quy định, cần nâng cao chất lượng quản trị công ty, hội đồng quản trị, tăng cường sự giám sát, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Thứ ba, hoạt động của DN phải đi kèm trách nhiệm với xã hội, môi trường. Đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá DN của nhà đầu tư nước ngoài. UBCKNN cũng đã yêu cầu các DN có báo cáo về việc thực hiện ESG.
Tại Hội thảo, đại diện các công ty chứng khoán cũng đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ các nút thắt trong quá trình nâng hạng, cũng như nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài của các công ty chứng khoán trên TTCK Việt Nam.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng: Việc xếp vào nhóm các thị trường mới nổi sẽ là bước ngoặt quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của TTCK Việt Nam, góp phần tăng quy mô và chất lượng, nâng cao hình ảnh và uy tín của tất cả các thành viên tham gia thị trường.
Tuy nhiên, quá trình nâng hạng TTCK Việt Nam cần có sự chung tay của các bên, không chỉ nỗ lực của riêng cơ quan quản lý, các đơn vị thành viên mà còn có sự chuẩn bị tích cực hơn từ phía DN về tuân thủ minh bạch thông tin, chất lượng thông tin khi tham gia sân chơi của thị thị trường mới nổi.
DN niêm yết sẽ nhận được sự chú ý nhiều hơn từ nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó cũng có thách thức vì DN khi đó sẽ cần nâng cao chất lượng công bố thông tin cũng như mức độ tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ việc công bố thông tin và các báo cáo cần là song ngữ, áp dụng IFRS. DN Việt Nam cũng phải cạnh tranh nhiều hơn với các DN khác ở nước ngoài.
Dưới góc độ quản lý, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định: Để đẩy nhanh tiến trình nâng hạng thị trường, chất lượng công bố thông tin của DN cũng là một trong những yếu tố quyết định đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức xếp hạng FTSE Russell và MSCI. Việc công bố thông tin đúng, đủ, kịp thời, chính xác không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của DN.
“Muốn đi dài và đi xa, thì chúng ta phải minh bạch thị trường, minh bạch thông tin. Nhưng đường dẫn tới sân chơi này còn nhiều trở ngại”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhận định.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, cơ quan quản lý đã có quy chuẩn, yêu cầu, đối với DN về công bố thông tin, tăng cường thanh tra, giám sát công bố thông tin của DN, kịp thời phát hiện trường hợp vi phạm và có những biện pháp xử lý nghiêm. Hiện, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên TTCK.
“Chúng ta phải làm kiên quyết, không ngừng nghỉ cho quá trình minh bạch thị trường vì thị trường không bao giờ nghỉ”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Tài chính lưu ý: Nâng hạng TTCK Việt Nam sẽ khẳng định vị thế, cải thiện thanh khoản, chất lượng TTCK Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Nâng hạng thị trường giúp cho sự tín nhiệm thị trường, tín nhiệm quốc gia được cải thiện. Nếu TTCK Việt Nam ở hạng cao sẽ nâng hạng được tín nhiệm quốc gia, thuận lợi trong phát triển kinh tế xã hội.
Theo ông Chi, chúng ta đã thống nhất được các tiêu chuẩn, yêu cầu, quy định quốc tế để thống nhất các bước đi tiếp theo. Đồng thời, nhận diện được các thách thức, rủi ro để các chủ thể tham gia thị trường có những biện pháp hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất. Xem xét thay đổi điều kiện ký quỹ của nhà đầu tư trước khi giao dịch. Điều này sẽ có rủi ro nhưng chúng ta phải đối mặt với rủi ro và tìm giải pháp.
“Tất cả chúng ta đã hình dung và hiểu bệ đỡ quan trọng nhất của TTCK là tính ổn định vĩ mô của nền kinh tế. Nhìn ra kinh tế khu vực và toàn cầu với những biến động và khó khăn trong những năm vừa qua, thì kinh tế VN vẫn giữ ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô. Vì vậy, không có cơ sở nào khiến TTCK của ta lại có rủi ro cao”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.
Anh Minh