Theo đó, tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng. Tỷ lệ đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 88,9 triệu đồng/lượng. Khối lượng 1 lô là 100 lượng. So với lần đấu thầu gần đây nhất (ngày 21-5), giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc cao hơn 300 nghìn đồng/lượng.

Tại lần đấu thầu này, Ngân hàng Nhà nước cho biết khối lượng đấu thầu tối thiểu là 5 lô, tương đương 500 lượng. Ngoài ra, khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 40 lô (4.000 lượng).

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng. Ảnh minh họa: tapchitaichinh.vn 

Bước giá dự thầu 10.000 đồng/lượng. Bước khối lượng dự thầu 1 lô (100 lượng). Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Để phù hợp với tình hình thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh hợp lý khối lượng vàng miếng tối thiểu, tối đa các thành viên được phép đặt thầu, giá tham chiếu đặt cọc. Nhờ vậy, kết quả tại các phiên sau số lượng đơn vị trúng thầu nhiều hơn những phiên đầu.

Trước đó, trong phiên đấu thầu vàng sáng 21-5, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu 16.800 lượng vàng. 9 thành viên đã trúng thầu 7.900 lượng vàng với mức giá 89,42 triệu đồng/lượng. Mức giá này cao hơn giá mua vào của các đơn vị kinh doanh trên thị trường 920.000 đồng/lượng, thấp hơn giá bán ra 1,05 – 1,08 triệu đồng/lượng.

Từ ngày 19-4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức tổng cộng 8 phiên đấu thầu vàng miếng SJC, trong đó 3 phiên phải hủy. Tổng lượng vàng trúng thầu là 35.100 lượng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc đấu thầu vàng miếng là nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

NGỌC ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.