Theo đó, tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu không đổi so với các phiên đấu thầu trước đó là 16.800 lượng vàng SJC. Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng.

Khối lượng đấu thầu tối thiểu mỗi thành viên được phép đấu thầu trong phiên tới vẫn là 5 lô (tương đương 500 lượng). Khối lượng đấu thầu tối đa mỗi thành viên được phép đấu thầu là 40 lô (tương đương 4.000 lượng). Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng).

Ngày mai (16-5), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng miếng SJC. Ảnh minh họa: congly.vn 

Giá tham chiếu để tính giá đặt cọc là 87,5 triệu đồng/lượng. Mức giá này chỉ để phục vụ việc tính cọc. Thành viên tham gia đấu thầu sẽ phải tạm ứng 10% giá trị đấu thầu. Như vậy, mức giá tham chiếu này đã thấp hơn so với giá đấu thành công thấp nhất (87,72 triệu đồng/lượng) của phiên đấu thầu ngày 14-5.

Trước đó, ngày 14-5, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu thành công 8.100 lượng vàng miếng SJC cho 8 đơn vị trúng thầu, giá trúng thầu cao nhất là 87,73 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 87,72 triệu đồng/lượng.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã có 6 lần tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC vào các ngày 22-4, 23-4, 25-4, 3-5, 8-5 và 14-5. Trong đó có 3 phiên thành công và 3 phiên bị hủy. Sau 3 phiên đấu thầu thành công, Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng ra thị trường 14.900 lượng vàng miếng SJC.

TẠ TUẤN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.