Ninh Bình xếp thứ 19 trong Bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2023, tăng 25 bậc so với năm 2022.
Các chỉ số thành phần có điểm số cụ thể của tỉnh Ninh Bình như sau: Chỉ số gia nhập thị trường đạt 7,43 điểm; tiếp cận đất đai đạt 7,23 điểm; tính minh bạch đạt 6,16 điểm; chi phí thời gian đạt 8,37 điểm; chi phí không chính thức 7,28 điểm; cạnh tranh bình đẳng đạt 5,12 điểm; tính năng động và tính tiên phong của chính quyền đạt 6,93 điểm; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đạt 6,18 điểm; đào tạo lao động đạt 6,35 điểm; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đạt 7,57 điểm.
Theo Bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2023 của các địa phương trên cả nước, với 71,25 điểm, Quảng Ninh vẫn tiếp tục giữ vị trí số 1, dẫn đầu bảng xếp hạng PCI; giữ vị trí Á quân là Long An; các vị trí tiếp theo là Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Tháp… Đây là năm thứ 7 liên tiếp Quảng Ninh dẫn đầu PCI.
Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023. |
Báo cáo PCI-PGI 2023 được xây dựng từ thông tin phản hồi của 10.676 doanh nghiệp, trong đó có 9.127 doanh nghiệp tư nhân trong nước và 1.549 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) đang hoạt động tại Việt Nam. Khảo sát cho thấy có sự cải thiện rõ rệt trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cắt giảm chi phí không chính thức và cải cách thủ tục hành chính.
Báo cáo Chỉ số PCI và PGI năm 2023 ghi dấu hành trình 19 năm Chỉ số PCI được xây dựng, công bố và năm thứ 2 công bố Chỉ số PGI. Đây là kết quả cụ thể và thiết thực trong việc thực hiện các chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và gần đây là cân bằng giữa phát triển kinh tế và môi trường bền vững, công bằng xã hội và phát triển nền kinh tế xanh và trung hòa carbon.
Báo cáo ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực của chính quyền các tỉnh, thành phố trong nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Khảo sát PCI-PGI năm 2023 cho thấy có sự cải thiện rõ rệt trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cắt giảm chi phí không chính thức và cải cách thủ tục hành chính. Đáng chú ý, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp số hóa đang mang lại hiệu quả thiết thực khi gần 77% doanh nghiệp cho biết đã tiết giảm được thời gian và chi phí từ thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến thay vì theo hình thức truyền thống.
Tin, ảnh: KIM DUYÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.