Quảng Ninh là quán quân PCI lần thứ 7 liên tiếp

(Chinhphu.vn) – Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy Quảng Ninh duy trì vị trí quán quân năm thứ bảy liên tiếp với 71,25 điểm. Cũng giữ nguyên thứ hạng, Hải Phòng với 70,34 điểm, đứng thứ ba. Á quân PCI năm nay…

Fatz Admin lúc 2024-05-09

(Chinhphu.vn) – Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy Quảng Ninh duy trì vị trí quán quân năm thứ bảy liên tiếp với 71,25 điểm. Cũng giữ nguyên thứ hạng, Hải Phòng với 70,34 điểm, đứng thứ ba. Á quân PCI năm nay thuộc về Long An, với sự bứt phá mạnh mẽ từ vị trí thứ 10 trong Bảng xếp hạng PCI năm 2022.

Quảng Ninh là quán quân PCI lần thứ 7 liên tiếp- Ảnh 1.

Quảng Ninh duy trì vị trí quán quân năm thứ bảy liên tiếp với 71,25 điểm – Ảnh: VGP/HT

Đây là thông tin tại buổi công bố Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 vừa được VCCI tổ chức ngày 9/5, tại Hà Nội.

Xuất hiện các ‘ngôi sao mới nổi’

Năm 2023, Bắc Giang từ vị trí Á quân xuống vị trí thứ tư, với 69,75 điểm. Bà Rịa – Vũng Tàu không còn trong Top 5. Còn Đồng Tháp tiếp tục ở vị trí thứ 5 trong Bảng xếp hạng PCI 2023, với 69,66 điểm.

Bến Tre (69,20 điểm), Hậu Giang (69,17 điểm) và Phú Thọ (69,10 điểm) là gương mặt mới trong Top10 của bảng xếp hạng PCI 2023 so với năm 2022, cùng với Bà Rịa – Vũng Tàu (69,57 điểm), Thừa Thiên Huế (69,19 điểm).

Trong đó, Hậu Giang được ghi nhận có bước chuyển từ Top 20 của PCI 2022 sang Top 10 của PCI 2023, đánh dấu chuỗi cải thiện thứ hạng liên tục từ năm 2017 tới nay. Phú Thọ được các doanh nghiệp (DN) đánh giá cao về chất lượng đào tạo lao động…

Cũng như năm ngoái, PCI năm 2023 không công bố thứ hạng của nửa cuối bảng xếp hạng. Mục tiêu được lý giải là nhằm khuyến khích các địa phương tập trung nỗ lực bước vào nhóm dẫn đầu PCI hàng năm. Bắc Ninh vắng mặt trong Top 30 kể từ khi thực hiện Bảng xếp hạng PCI vào năm 2004 đến nay. Thậm chí, nhìn lại, thứ hạng thấp nhất của Bắc Ninh là 20, vào năm 2007. Hai đầu tàu kinh tế của cả nước là TP.HCM và Hà Nội bám sát nhau ở vị trí 27 và 28. Nếu so với lần xếp hạng trước, TPHCM thành công trong việc trụ hạng, còn Hà Nội mất tới 8 bậc.

Trong khi đó, Hải Dương, Bình Thuận, Ninh Bình, Tây Ninh, Đắk Nông, Cà Mau, Tiền Giang và Thanh Hóa là các gương mặt mới của Top 30 so với lần xếp hạng trước.

VCCI cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy các tỉnh ở nhóm sau có sự bám đuổi và bứt phá mạnh mẽ để bước vào Top 30 của bảng xếp hạng PCI.

Đại diện cho địa phương quán quân, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Thứ hạng PCI được công bố ngày hôm nay vừa là động lực cho phát triển, đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn đối với tỉnh. Bởi lẽ, Quảng Ninh hiểu rõ, giành được vị thế, thứ hạng PCI đã khó, giữ vững được vị thế, thứ hạng PCI càng khó khăn hơn. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định trên hành trình cải cách, những nỗ lực phải đến hằng ngày, không tự chủ quan, tự thỏa mãn với kết quả đã đạt được, mà luôn nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, khó khăn, thách thức của người dân và DN để tìm cách tháo gỡ, giải quyết.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thủ tục hành chính; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện để phát triển kinh tế số và xã hội số, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến… Nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai bình đẳng, tháo gỡ ách tắc, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp… Tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng liên kết vùng…

“Quảng Ninh luôn sẵn sàng chào đón và cam kết đồng hành thực chất, tạo mọi điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp bền vững, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị; mang đến niềm tin, sự hài lòng, cơ hội thành công cho các nhà đầu tư, các DN thuộc mọi thành phần kinh tế”, Chủ tịch Quảng Ninh khẳng định. 

Quảng Ninh là quán quân PCI lần thứ 7 liên tiếp- Ảnh 2.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu – Ảnh: VGP/HT

DN ghi nhận những nỗ lực cải thiện

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng: Kết quả khảo sát phản ánh trong Báo cáo PCI và PGI 2023 đã cho thấy cộng đồng DN Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực tích cực của chính quyền các tỉnh thành phố trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh so với trước đây. Đó là, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện theo thời gian, với điểm số chỉ số PCI tổng hợp của cả nước đạt 66,66 điểm năm 2023, tăng gần 1,44 điểm so với năm 2022.

Nhiều tỉnh tiếp tục duy trì và có sáng kiến mới trong cải thiện môi trường kinh doanh. Đáng chú ý, các tỉnh nhóm cuối đang vươn lên mạnh mẽ nhờ tận dụng tốt “lợi thế của người đi sau” khi tích cực học hỏi, áp dụng những bài học thành công từ nhóm tỉnh có chất lượng điều hành cao hơn; công tác hỗ trợ DN có chuyển biến tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu đánh giá về công tác triển khai các chính sách hỗ trợ DN của năm 2023 đều có sự cải thiện so với năm 2022. Thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn, ghi nhận những chuyển biến tích cực trong việc giải quyết thủ tục hành chính trong đăng ký DN; cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt khoảng 77% DN cho biết việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp tiết giảm nhiều thời gian và chi phí…

Quảng Ninh là quán quân PCI lần thứ 7 liên tiếp- Ảnh 3.

Bến Tre (69,20 điểm), Hậu Giang (69,17 điểm) và Phú Thọ (69,10 điểm) là gương mặt mới trong Top10 của bảng xếp hạng PCI 2023 so với năm 2022, cùng với Bà Rịa – Vũng Tàu (69,57 điểm), Thừa Thiên Huế (69,19 điểm)

Báo cáo PCI và PGI 2023 ghi nhận những chuyển động tích cực trong môi trường kinh doanh Việt Nam từ góc nhìn của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đó là, các DN FDI tại Việt Nam đang trên đà phục hồi ổn định sau đại dịch COVID-19. Tỷ lệ DN FDI tuyển thêm lao động tăng từ 55,8% năm 2022 lên 59,9% năm 2023. Tình hình kinh doanh của DN FDI có sự cải thiện khá khả quan: Tỷ lệ DN FDI báo lãi trong năm 2023 tăng nhẹ lên mức 46,5%; tỷ lệ DN báo lỗ giảm xuống 42,3%. 

TIN LIÊN QUAN

  • Chính quyền năng động giúp đạt chỉ số PCI cao

    Chính quyền năng động giúp đạt chỉ số PCI cao

  • Công bố Chỉ số PCI năm 2021: Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu

    Công bố Chỉ số PCI năm 2021: Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu

  • Hậu Giang: Hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh

    Hậu Giang: Hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh

Gánh nặng thực thi quy định của DN FDI tại Việt Nam đã giảm bớt theo thời gian, với tỷ lệ DN gặp phiền hà trong việc thực hiện thủ tục hành chính tiếp tục xu hướng giảm của các năm trước. Cơ cấu ngành sản xuất kinh doanh của các DN FDI có sự dịch chuyển tích cực sang các ngành công nghệ và dịch vụ chuyên sâu của kinh tế tri thức. Nhiều DN FDI hơn đã sử dụng hàng hóa, dịch vụ đầu vào từ DN trong nước. Tỷ lệ DN FDI sử dụng nhà cung cấp là các DN tư nhân trong nước đã tăng dần qua các năm…

Tuy nhiên, Báo cáo PCI và PGI 2023 cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng có một số điểm cần quan tâm. Từ phản ánh của DN, có thể thấy trở ngại trong tiếp cận đất đai có dấu hiệu gia tăng, môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng với các DNNVV, tính năng động, tiên phong của cán bộ chính quyền địa phương có dấu hiệu chững lại. Bên cạnh đó, các DN cũng đang gặp phải nhiều khó khăn trong hoạt động. Những khó khăn chủ yếu bao gồm tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, biến động chính sách, pháp luật, tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Báo cáo PCI-PGI 2023 được xây dựng từ thông tin phản hồi của 10.676 DN, trong đó có 9.127 DN tư nhân trong nước và 1.549 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) đang hoạt động tại Việt Nam.

Anh Minh

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.