(KTSG Online) – Đến nay, trong số 29 dự án giao thông quan trọng, liên kết vùng Đông Nam bộ, đã có 4 dự án khởi công, 5 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư và 20 dự án đang được nghiên cứu. Trong đó có tuyến…
(KTSG Online) – Đến nay, trong số 29 dự án giao thông quan trọng, liên kết vùng Đông Nam bộ, đã có 4 dự án khởi công, 5 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư và 20 dự án đang được nghiên cứu. Trong đó có tuyến Vành đai 4 TPHCM dài khoảng 206 km và dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Đây là một phần thông tin được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ diễn ra tại Tây Ninh ngày 5-5 với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan, tỉnh thành có liên quan, theo chinhphu.vn.
Tại đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan đã báo cáo về các hoạt động của Hội đồng, những kết quả đạt được, việc triển khai quy hoạch vùng vừa được phê duyệt, rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù với vùng Đồng Nam bộ và tình hình triển khai một số dự án quan trọng, liên kết vùng.
Theo số liệu củ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ tháng 11-2023 khi Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ được giao các nhiệm vụ cụ thể đến nay, Hội đồng vùng đã hoàn thành được 20/38 nhiệm vụ, chiếm 53% số nhiệm vụ được giao.
Về 29 dự án quan trọng, liên kết vùng, đã khởi công 4 dự án (xây dựng Vành đai 3 TPHCM Minh, Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, giai đoạn 1 Cảng Hàng không quốc tế Long Thành); đang triển khai các thủ tục đầu tư 5 dự án (cao tốc TPHCM-Mộc Bài, cao tốc Chơn Thành-Gia Nghĩa, cao tốc TPHCM-Chơn Thành, cao tốc Dầu Giây-Liên Khương, cao tốc Chơn Thành-Đức Hoà).
Theo đó, dự án đường Vành đai 3 TPHCM cơ bản các dự án xây lắp đã khởi công, trong đó đoạn qua tỉnh Long An thực hiện đạt hơn 22% khối lượng, đoạn qua TPHCM đạt khoảng 12,5% khối lượng, đoạn qua tỉnh Bình Dương đạt hơn 9% khối lượng, đoạn qua tỉnh Đồng Nai đạt hơn 2% khối lượng.
Dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành đang trong quá trình thi công, tổng khối lượng gói thầu hiện đạt khoảng 80,05%. Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3-Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã hoàn thành hơn 50% khối lượng thi công phần thô, công tác thi công các hạng mục công trình đang được thực hiện đúng với kế hoạch đề ra.
Hiện các cơ quan đang nghiên cứu, triển khai 20 dự án, trong đó đáng chú ý là tuyến Vành đai 4 TPHCM dài khoảng 206 km và dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị tập trung nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án quan trọng quốc gia đang triển khai, sớm đưa các dự án vào khai thác sử dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng như các tuyến đường bộ cao tốc, đường Vành đai 3 TPHCM, cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu…
Cùng với đó, hoàn thiện thủ tục đầu tư để đẩy nhanh việc triển khai các dự án mới như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, tuyến đường sắt tốc độ cao TPHCM-Nha Trang, đường sắt TPHCM-Cần Thơ, đường sắt đô thị TPHCM-Đồng Nai-Bình Dương. Đầu tư nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi lớn trong vùng nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước; tập trung đầu tư dự án chống ngập cho TPHCM…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, để phát triển vùng động lực phía Nam trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước và khu vực ASEAN, phát triển các tuyến hành lang kinh tế để mở rộng không gian phát triển, tạo mối liên kết đồng bộ giữa các địa phương trong vùng.
Viễn cảnh Đông Nam bộ sau năm 2030 như thế nào?
Theo TTXVN, tại Hội nghị này Hội đồng đã công bố Quyết định số 370/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, Đông Nam bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước; là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.
Đông Nam bộ đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, phát triển kinh tế xanh, phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nhanh hệ thống đô thị xanh, thông minh, hiện đại.
Đông Nam bộ là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước; trung tâm tài chính quốc tế, nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới; có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á và phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á.
Đông Nam bộ phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8-9%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 14.500-16.000 đô la Mỹ.
Tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 41-42% trong GRDP; công nghiệp và xây dựng 45-46%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2-3%. Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,8. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40 – 45%; tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%.
Đến năm 2050, Đông Nam Bộ có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2031-2050 đạt khoảng 7,5%/năm, GRDP/người đến năm 2050 đạt khoảng 54.000 đô la Mỹ.
Kinh tế Sài Gòn Online