Thực tế các doanh nghiệp không chỉ đầu tư ở Việt Nam, mà ở nhiều quốc gia khác nhau, nên việc họ đến Việt Nam, đầu tư vào Việt Nam, hay đầu tư vào quốc gia khác là chuyện bình thường. Việc đầu tư của các tập đoàn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố chính, gồm: khách quan, chủ quan và sự sẵn sàng của Việt Nam.
Liên quan đến khách quan, có các yếu tố như tình hình địa chính trị, kinh tế thế giới, khu vực và Việt Nam, xu hướng đầu tư, sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng giữa các quốc gia trên toàn cầu.
Yếu tố chủ quan phụ thuộc vào chiến lược đầu tư, mục tiêu đầu tư, phát triển, đánh giá mức độ và sự phù hợp của từng địa bàn, từng khu vực, nguồn lực, khả năng triển khai…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung trả lời câu hỏi của các nhà báo. |
Yếu tố thứ ba liên quan đến sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc thu hút các tập đoàn này. Theo ông Đỗ Thành Trung, Việt Nam tập trung vào 3 yếu tố chính: Thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
“Yếu tố chúng ta cần tập trung quan tâm lâu nay thì Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành đang cố gắng, đó chính là làm sao cải thiện sự sẵn sàng của Việt Nam về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực”, ông Trung nói.
Theo ông, về thể chế, Việt Nam đã có những bước tiến tích cực, ngày càng hoàn thiện hơn chính sách pháp luật, cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hiện chúng ta đang nghiên cứu cơ chế đặc thù ưu đãi hấp dẫn các tập đoàn, công ty, đặc biệt là công ty công nghệ, các ngành bán dẫn, điện tử, chip… Các ngành này hiện đang được áp dụng ưu đãi tốt nhất. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang nghiên cứu bổ sung các ưu đãi phù hợp.
Về cơ sở hạ tầng, ông Đỗ Thành Trung cho hay, chúng ta cố gắng đảm bảo tốt nhất hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông (đường bộ, đường thủy, đường không…), hạ tầng phục vụ sản xuất như điện (gần đây đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII). Song song với đó là tập trung phát triển khu công nghệ cao và trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia để tạo môi trường và các thể chế vượt trội hơn nữa, tạo thuận lợi tốt nhất cho các tập đoàn đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Về nguồn nhân lực, chúng ta đã và đang làm với việc xây dựng các chương trình cụ thể. Bên cạnh những cơ quan, đơn vị có năng lực về đào tạo, nghiên cứu như các trường đại học, các công ty, tập đoàn lớn VNPT, Viettel, CMC…, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình đề án đào tạo 50.000 kỹ sư phục vụ ngành bán dẫn.
Ngoài ra, ông Trung cho biết, một trong những yếu tố được các tập đoàn đánh giá rất cao là sự quyết tâm của Chính phủ trong theo đuổi phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và chip, xây dựng chiến lược phát triển ngành, trong đó tập trung vào các đối tác tiềm năng, có cam kết mạnh mẽ, đặc biệt là Hoa Kỳ. Bên cạnh Hoa Kỳ, các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đã đầu tư các dự án cụ thể. Các dự án liên quan đến đóng gói và kiểm thử có Intel, Amkor; hay trong mảng thiết kế có các tập đoàn như Marvell, Qorvo; liên quan đến cung cấp thiết bị, công cụ thiết kế chip bán dẫn có các tập đoàn như Cadence, Synopsys…
Gần đây nhất, lãnh đạo của Tập đoàn NVIDIA đã sang thăm Việt Nam và cam kết hợp tác về bán dẫn và theo đó, có thể kết hợp xây dựng trung tâm siêu tính toán ở Việt Nam để đào tạo nhân lực AI cho ngành bán dẫn. Ngày 3-5, Samsung đã cùng Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức lớp đào tạo thiết kế điện tử vi mạch cho hơn 250 kỹ sư đầu tiên.
“Chúng ta bước từ chiến lược phát triển ngành, xây dựng đề án, song song đó là hoàn thiện thể chế, cơ sở hạ tầng, nhân lực và cụ thể hóa thành những hành động cụ thể thông qua thu hút đầu tư, xây dựng nguồn nhân lực. Chúng tôi tin rằng nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan, thời gian tới kết quả sẽ rõ nét hơn”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
TTXVN
Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.