Bộ Công Thương bảo lưu quan điểm là điện mặt trời tự sản tự tiêu phát lên lưới với giá 0 đồng dù đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt tại nhà dân, công sở, khu công nghiệp.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, việc khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với mục đích tự sử dụng, tự cung tự cấp cho nhu cầu của chính mình, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện. Bộ Công Thương đã đề xuất với Chính phủ cho phép miễn giảm thực hiện một số quy định, tiêu chí khắt khe của pháp luật và có nhiều ưu đãi về chính sách… như: Miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật; thủ tục thực hiện đơn giản… Do đó, nếu bán điện thì sẽ xảy ra tình huống vỡ quy hoạch điện của quốc gia và khó kiểm soát hệ thống lưới điện, làm mất an toàn, trục lợi chính sách của nhà nước.

 Lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Hà Nội.

Bộ Công Thương cũng cho rằng, cơ sở hạ tầng lưới điện của nước ta hiện chưa hoàn toàn đáp ứng được mọi nguồn điện với đủ các mức công suất khác nhau. Để làm được điều đó, phải có công nghệ lưu trữ, công nghệ vận hành điều độ hệ thống lưới điện, nguồn điện nền có thể kịp thời phát khi điện gió, điện mặt trời sụt giảm.

Trường hợp khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và cho phép nối lưới điện không giới hạn công suất, thì công tác vận hành lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và nguy cơ cao mất an toàn hệ thống điện quốc gia ở mức rất cao.

Bên cạnh đó, dự thảo lần này Bộ Công Thương đưa ra quy định với hai loại hình phát triển điện mặt trời mái nhà gồm có đấu nối và không đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Chính sách giá 0 đồng chỉ áp dụng với sản lượng điện mặt trời mái nhà “tự sản, tự tiêu” dư thừa phát lên lưới điện quốc gia.

Với nhiều phân tích nêu trên, Bộ Công Thương cho rằng, trong điều kiện hiện tại của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu nguồn, giải pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia là cần thiết và phù hợp, vừa khuyến khích loại hình điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu vừa ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách.

Tin, ảnh:KHÁNH AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.