Theo TS Phạm Anh Tuấn, Phó viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam, những “cơn gió ngược” từ kinh tế thế giới dưới những tác động về xung đột chính trị, lạm phát và lãi suất tăng cao, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm… đã gây những ảnh hưởng bất lợi, khiến kinh tế Việt Nam giảm đà tăng trưởng một cách đáng kể, có những lúc xuống mức thấp trong nhiều năm trở lại đây.
Cùng với đó, tình hình sản xuất kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn, đơn hàng suy giảm hàng loạt, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm. Điều này đặt ra nhiều thách thức trong việc phục hồi kinh tế.
TS Phạm Anh Tuấn, Phó viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
Theo TS Phạm Anh Tuấn, trước bối cảnh nhiều thách thức lớn, công tác điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2023 đã đạt được những thành công đáng ghi nhận. Tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 5,05%, dù thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thế giới (3,1%) và cao mức bình quân trong khu vực ASEAN-5 (4,2%).
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết thêm, quý I vừa qua, theo Tổng cục Thống kê, nền kinh tế tăng trưởng 5,66%, là mức tăng trưởng trong quý I cao nhất từ năm 2020 đến nay. Nhiều người lạc quan đối với kết quả đạt được này, song cần nhìn kỹ tăng trưởng này xuất phát từ đâu và những yếu tố này có tính bền vững như thế nào.
Đề cập đến lạm phát, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, lạm phát hiện trong tầm kiểm soát nhưng hàng loạt yếu tố khiến lạm phát có thể tăng trở lại. Đó là lãi suất khó giảm nữa mà sẽ tăng, tỷ giá vẫn cao, điều chỉnh giá năng lượng hay việc cải cách tiền lương… “Những yếu tố này sẽ đẩy chi phí, làm tăng lạm phát nên không thể chủ quan”, TS Nguyễn Đình Cung lưu ý.
Các đại biểu dự phiên họp. |
Tuy nhiên, các chuyên gia cùng chia sẻ nhận định, nhiều dự báo kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2024 sẽ thuận lợi hơn, giảm bớt khó khăn, thách thức.
TS Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, để biến thách thức thành cơ hội, cần khai thác hiệu quả động lực từ Quy hoạch quốc gia, các luật mới, nhất là Luật Đất đai sửa đổi và có cơ chế trao quyền cho các địa phương để gia tăng cơ hội thu hút đầu tư; có cách tiếp cận mới trong phát triển thị trường tài chính, tiền tệ;…
Tin, ảnh: PHƯƠNG THẢO
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.