Giá dầu thế giới

Theo Dailyfx, lúc 5 giờ 30 phút ngày 1-3 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent và WTI tăng nhẹ.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 29-2, giá dầu giảm nhẹ sau dữ liệu lạm phát của Mỹ và sản lượng của OPEC tăng.

Giá dầu trượt nhẹ ở phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2. Ảnh minh họa: Reuters 

Giá dầu Brent giao tháng 4 giảm 6 cent, tương đương 0,07%, xuống mức 83,62 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 28 cent xuống mức 78,26 USD/thùng.

Theo báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, trong tháng 1 tăng 0,3%. Chỉ số PCE lõi tăng 0,4%. Chỉ số này cho thấy lạm phát tháng 1 phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế, nên việc vẫn có khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6 tới.

John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC, cho biết: “Dữ liệu kinh tế chưa rõ ràng đang giúp tranh luận về việc cắt giảm lãi suất của Fed, điều này hỗ trợ nhu cầu dầu”.

Cũng theo Bộ Thương mại Mỹ, giá tiêu dùng và giá sản xuất đầu tháng 2 cũng cho thấy lạm phát dai dẳng và cách tiếp cận thận trọng từ các nhà hoạch định chính sách của Fed. Vì vậy, thay vì kỳ vọng Fed giảm lãi suất từ tháng 3, các nhà đầu tư đã đặt kỳ vọng cho tháng 6.

Theo Reuters, dữ liệu từ một số nền kinh tế lớn nhất khu vực cho thấy lạm phát khu vực đồng Euro tiếp tục giảm trong tháng 2, củng cố thêm khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu bắt đầu nới lỏng lãi suất vào cuối năm nay. Lãi suất cao đã giúp nhiều nền kinh tế lớn của phương Tây kiềm chế lạm phát, có khả năng làm giảm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.

Về phía nguồn cung, tồn kho dầu thô ở Mỹ, nhà sản xuất hàng đầu thế giới, đã tăng tuần thứ 5 liên tiếp với mức tăng 4,2 triệu thùng.

Việc gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện của OPEC+ cũng được đưa ra bàn thảo những ngày qua. Các nhà phân tích của ANZ cho biết “với triển vọng nhu cầu vẫn không chắc chắn, chúng tôi nghĩ OPEC sẽ gia hạn thỏa thuận nguồn cung hiện tại đến cuối quý II”.

Kết quả khảo sát của Reuters cho thấy OPEC đã bơm 26,42 triệu thùng/ngày trong tháng này, tăng 90.000 thùng/ngày so với tháng 1. Sản lượng của Libya tăng 150.000 thùng/ngày so với tháng trước.

Giá dầu lấy lại đà tăng đầu phiên giao dịch ngày 1-3. Ảnh minh họa: Reuters 

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 1-3 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 22.752 đồng/lít.

Xăng RON 95-III không quá 23.929 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 20.773 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 20.785 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 15.959 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 29-2. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 và RON 95-III tăng lần lượt là 277 đồng/lít và 330 đồng/lít. Ngược lại, giá dầu giảm với dầu diesel giảm 137 đồng/lít, dầu hỏa giảm 136 đồng/lít. Tuy nhiên, dầu mazut tăng 30 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, liên bộ trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg, không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel và dầu hỏa, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 6 lần tăng, 3 lần giảm.

MAI HƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.