Theo ông Triệu Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), sau 3 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 1-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ, ngành lâm nghiệp đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các mặt: Kinh tế, an sinh xã hội và môi trường. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các giải pháp trong công tác bảo vệ và phát triển rừng và tổ chức, phát triển sản xuất lâm nghiệp đã được triển khai toàn diện, đồng bộ.

 Quang cảnh hội thảo.

Hiện lâm nghiệp đã tạo ra việc làm cho khoảng 5 triệu lao động trực tiếp. Chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư với bình quân khoảng 6,2 triệu ha/năm, tạo nguồn thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở các vùng miền núi.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp cũng còn tồn tại khó khăn như quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch ba loại rừng còn chồng chéo, thiếu tính đồng bộ; công tác giao rừng, thuê rừng còn chậm triển khai…

  Một khu rừng sản xuất ở tỉnh Đồng Nai.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm chế biến, thương mại đồ gỗ lớn của thế giới, vì vậy, cần thay đổi mô hình tăng trưởng để giữ được vị thế và tiếp tục phát triển, trong đó thương mại xanh, sản phẩm xanh và tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu của thế giới.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.