Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng chủ trì phiên họp. Cùng dự có đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội và đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng chủ trì phiên họp. |
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23-11-2022 về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 5-5-2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025; Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt, hiện nay đã có 21 quy hoạch cấp quốc gia và 8 quy hoạch tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng đã được phê duyệt; quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng mà Thủ đô Hà Nội là một trong các cực tăng trưởng của vùng đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng thông qua, đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 3-2024.
Quang cảnh phiên họp. |
Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển thời gian qua, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển, đó là: Quy hoạch đề xuất mục tiêu phát triển thành phố là Thủ đô văn hiến-văn minh-hiện đại, nơi hội tụ tinh hoa của cả nước và nhân loại; là trung tâm kinh tế-tài chính lớn của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đi đầu về giáo dục-đào tạo theo chuẩn quốc tế; hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại; đời sống an sinh được bảo đảm toàn diện; có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước tiên tiến trong khu vực.
Quy hoạch cũng đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, nổi bật là giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm các dòng sông, xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, sông Đáy để đảm bảo nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp; giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các khu vực đô thị, đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cho các vùng địa hình thấp trũng; giải quyết căn bản tình trạng kẹt xe tại các cửa ngõ thành phố và tình trạng ùn tắc giao thông đô thị vào giờ cao điểm.
Xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: Văn hóa và di sản; phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; xã hội số, đô thị thông minh, kinh tế số; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và 4 khâu đột phá chiến lược bao gồm: Tạo lập thể chế quản trị vượt trội; phát triển hệ thống hạ tầng kết nối, đồng bộ, đặc biệt là đường sắt đô thị; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; phát triển đô thị, cải tạo môi trường và cảnh quan.
Tin, ảnh: VŨ DUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.