Sở hữu hơn 1,5ha sầu riêng, ông Nguyễn Văn Quân (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) cho biết cây đang trổ nhụy hoa và đậu trái nên cần được tưới thường xuyên. Tuy nhiên, hơn tháng qua hồ đã cạn nên chỉ tưới được cầm chừng, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ ra hoa và đậu quả.

“Mọi năm tháng 11, 12, 1 thường có mưa ít nhiều. Nhưng nay đã hơn 4 tháng mà vẫn không có mưa, thời tiết lại nắng gắt. Nếu tình hình này tiếp diễn thì năng suất vụ này có thể sẽ giảm khoảng 30-40% so với năm ngoái”, ông Quân lo lắng.

Vườn cà-phê héo khô ở xã Đạ Sal, huyện Đam Rông, Lâm Đồng. Ảnh: vnmha.gov.vn

Trong khi đó, bị tình trạng thiếu nước kéo dài vì ao cạn nhưng chưa đào ra được nguồn nước mới, ông Bùi Văn Phúc (Tuy Đức, Đắk Nông) đứng ngồi không yên khi hơn 3ha cà phê bắt đầu vào giai đoạn đậu trái có hiện tượng héo rũ lá, khô cành hàng loạt.

“Giai đoạn này vừa bón phân xong, đang đậu trái nên cần tưới nước thường xuyên để cây có sức. Nếu khô hạn kéo dài thì thiệt hại sẽ không nhỏ vì tỉ lệ đậu trái thấp, thậm chí có thể chết cây trên diện rộng”, ông Phúc nhận định.

Cũng theo ông Phúc, hiện nhiều diện tích trồng hồ tiêu, chanh dây… trong khu vực cũng đang “khát nước”, đặc biệt hồ tiêu trải qua giai đoạn nuôi trái nên cây đang suy kiệt, rất cần nguồn nước để cây phục hồi và hỗ trợ cho việc bón phân.

Tương tự, tại nhiều khu vực ở Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, nông dân cho biết cũng đang trải qua giai đoạn nắng nóng kéo dài, nguy cơ có thể bị hạn hán diện rộng do thông thường tháng 5 và 6 tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ mới bắt đầu vào mùa mưa.

THẾ TRUYỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.