Ngành xây dựng bước vào chu kỳ ‘giải nén’ cho các đô thị lớn

(KTSG Online) – Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đề ra mục tiêu chính sách nhằm ‘giải nén’, giảm tải cho các đô thị lớn, đưa người dân ra các đô thị xung quanh. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa…

Fatz Admin lúc 2024-02-18

(KTSG Online) – Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đề ra mục tiêu chính sách nhằm ‘giải nén’, giảm tải cho các đô thị lớn, đưa người dân ra các đô thị xung quanh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 179/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Mục tiêu chung đến năm 2030 đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống thể chế, công cụ quản lý, đảm bảo tính đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hiện đại, hội nhập. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho các chủ thể tham gia các hoạt động đầu tư xây dựng; thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng.

Giảm tải cho các đô thị lớn

QUẢNG CÁO

Một trong những mục tiêu mà chiến lược hướng đến là đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá và kinh tế đô thị. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hoà, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát triển mạnh các đô thị vệ tinh của một số đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TPHCM.

Đồng thời, hoàn thành hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, công cụ quản lý; xây dựng mô hình chính quyền đô thị gắn với quản trị đô thị hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh; từng bước nâng cao chất lượng phát triển đô thị về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân.

Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030 đề ra mục tiêu chính sách ‘giải nén’ cho các đô thị lớn. Ảnh: LÊ VŨ

Trong phát triển đô thị, chiến lược nhấn mạnh đến việc hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; xây dựng các đô thị carbon thấp giảm phát thải khí nhà kính, đô thị theo hướng đô thị xanh, có bản sắc, có tính tiên phong và dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực của phát triển.

Cùng với đó là góp phần hoàn thành cơ bản xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung của các đô thị trung tâm cả nước và các vùng đồng bộ, hiện đại, đủ năng lực phục vụ. Tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Từng bước phát triển không gian ngầm tại các đô thị lớn. Tăng tính kết nối giữa các đô thị trong nước và khu vực; gắn kết phát triển đô thị và nông thôn.

Xây dựng cơ chế minh bạch đánh giá giá trị bất động sản theo cơ chế thị trường. Giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở cho cư dân đô thị, mở rộng các loại hình nhà ở; có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Đặc biệt, chiến lược cũng đề ra yêu cầu thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn, đưa người dân ra các đô thị xung quanh đã hình thành đầy đủ các thiết chế văn hóa, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Tập trung thúc đẩy hệ thống hạ tầng cơ sở, dịch vụ tại các đô thị vệ tinh, mô hình thành phố trực thuộc thành phố, đảm bảo các đô thị giữ vai trò trung tâm phát triển kinh tế – xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của địa phương, từng vùng và cả nước.

Trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị, chiến lược yêu cầu thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm tại các đô thị lớn, tập trung cho các lĩnh vực giao thông đô thị, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đô thị.

Nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng

Mục tiêu nâng cao năng lực ngành Xây dựng để đảm nhận được toàn bộ các khâu quản lý, thiết kế, thi công các công trình xây dựng hiện đại, phức tạp, quy mô lớn. Đây là cơ sở để từng bước cạnh tranh, mở rộng thị trường hoạt động ra nước ngoài. Phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng theo hướng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên khoáng sản. Hướng đến hoạt động xây dựng thân thiện với môi trường, có hàm lượng công nghệ cao, phát triển các vật liệu xây dựng mới. Ứng dụng công nghệ trong quản lý đầu tư xây dựng, thiết kế, thi công, quản lý chất lượng công trình.

Cơ bản hoàn thành hệ thống cơ chế, chính sách, công cụ quản lý; xây dựng mô hình chính quyền đô thị gắn với quản trị đô thị hiệu quả. Qua đó từng bước nâng cao chất lượng phát triển đô thị cả về kinh tế xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc và chất lượng sống của người dân.

Chiến lược ngành xây dựng hướng đến nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị và nhà ở. Ảnh minh họa: DNCC

Tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, từng bước phát triển không gian ngầm tại các đô thị lớn. Tăng tính kết nối giữa các đô thị trong nước và khu vực; gắn kết phát triển đô thị và nông thôn.

Xây dựng cơ chế minh bạch đánh giá giá trị bất động sản theo cơ chế thị trường. Giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở cho cư dân đô thị, mở rộng các loại hình nhà ở; có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Lĩnh vực nhà ở cần triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội. Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng, cải tạo nhà ở phù hợp với quy hoạch đô thị và quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Quản lý, giám sát chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại trung tâm các đô thị lớn.

Lĩnh vực quản lý thị trường bất động sản cần khai thác, sử dụng bất động sản hiệu quả, khai thác tối đa nguồn lực từ đất đai, nhà và công trình trên đất phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Phát triển đa dạng các loại bất động sản, bảo đảm cân đối cung – cầu của từng phân khúc, từng địa phương và trong từng giai đoạn…

Bình Nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.