Cùng dự có đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành 100% nhiệm vụ được Chính phủ giao

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, xuất hiện nhiều yếu tố phức tạp mới. Cụ thể, nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại; lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: NHẬT BẮC

Mặc dù trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được một số kết quả tích cực, như: Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; lạm phát trong nước được kiểm soát; tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế thế giới.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: “Để đạt được những kết quả đáng khích lệ kể trên là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”.

Trong năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước. 

Đồng thời, Bộ đã triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, cụ thể hóa các chính sách phát huy mô hình kinh tế mới (kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn…) và các yêu cầu phát triển bền vững hậu Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC

Trong Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Bộ có số lượng đề án được giao nhiều nhất (chiếm trên 16%). Đến nay, Bộ đã hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Chương trình công tác, không nợ đọng.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền nhiều đề án, báo cáo lớn, đã ban hành gần 13.000 văn bản liên quan đến các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Mặc dù vậy, trong năm vừa qua vẫn tồn tại một số hạn chế, như khối lượng các đề án, báo cáo Bộ được giao thực hiện rất lớn nên vẫn còn có một số đề án, báo cáo hoàn thành chưa đúng hạn theo yêu cầu.

Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu

Năm 2024 cũng là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nước ta bước vào giai đoạn nước rút, giai đoạn tăng tốc trong thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025; chuẩn bị nền tảng để đón nhận thời cơ, vận hội mới cho bước ngoặt của đất nước và tổ chức tổng kết, đánh giá, xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển 5 năm 2026-2030.

Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2024, rất nhiều nhiệm vụ khó, nặng nề và quan trọng đang chờ đợi toàn ngành. Càng trong khó khăn lại càng cần hơn nữa sự tham mưu trí tuệ, đột phá của toàn ngành trong việc phấn đấu thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đặt ra.

Bộ trưởng kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như toàn ngành kế hoạch – đầu tư và thống kê phải nỗ lực hơn nữa, đổi mới hơn nữa, trí tuệ và bản lĩnh hơn nữa để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC

Về các nhiệm vụ trong năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, toàn ngành sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu với Đảng, Nhà nước về tổng kết 40 năm Đổi mới và chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2026 – 2030.

Trong đó, cần tập trung nghiên cứu, làm rõ vị thế, tầm vóc mới của nước ta sau những thành tựu đối ngoại lịch sử trong năm 2023; thời cơ, cơ hội, thuận lợi mới và yêu cầu đặt ra để phát triển nền kinh tế nước ta “cạnh tranh, sáng tạo, tự chủ và hội nhập, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” đến năm 2030.

Cùng với đó, tập trung triển khai ngay Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt hơn 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp tục đưa vốn đầu tư công là “vốn mồi” để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế…

Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng và hoàn thiện hơn nữa các thể chế, chính sách để cụ thể hóa các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ…, cũng như các xu thế phát triển về đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo… Hoàn thiện đề án đào tạo nhân lực cho ngành chíp, bán dẫn để sẵn sàng, chuẩn bị đón nhận những cơ hội, dự án phát triển ngành bán dẫn… Mục tiêu chiến lược là xanh hóa nền kinh tế, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Báo Quân đội nhân dân Điện tử tiếp tục cập nhật thông tin về hội nghị…

VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.