Thứ trưởng dẫn chứng, năm 2023, ngành Giao thông đã khởi công 26 công trình, hoàn thành 20 công trình của 5 lĩnh vực chuyên ngành và trên 6 vùng kinh tế. Các công trình đều mang tính chiến lược, động lực và đột phá. Về hàng không, lần đầu tiên máy bay tầm trung A320, A321, Boing 737 có thể cất, hạ cánh trực tiếp tại Điện Biên, kết nối với các đường bay dài tới Thành phố Hồ Chí Minh và các nước trong khu vực châu Á. Nhà ga hành khách Phú Bài đã khánh thành; hai nhà ga hành khách lớn là T3 Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã khởi công.

Về hàng hải, các luồng cho tàu biển lớn vào các cảng biển lớn đều được đầu tư hoàn thành, lớn nhất có thể kể đến là luồng Nam Nghi Sơn từ phao số 0; luồng Cái Mép – Thị Vải từ phao số 0 đến cảng CMIT, có thể đón được tàu lên đến 100.000 tấn đưa vào khai thác không cần đợi thuỷ triều.

Về đường sắt, các dự án chuẩn bị đầu tư, các tuyến đường sắt mới, đường sắt hiện hữu được nâng cấp và khai thác rất hiệu quả. Tính trong vòng 10 năm trở lại đây, lần đầu tiên, Bộ Giao thông Vận tải mở mới một ga liên vận quốc tế (ga Kép, Bắc Giang).

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy thông tin tới báo chí về những điểm sáng trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong năm 2023 – Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Chỉ sau 3 tháng quyết định mở mới ga liên vận, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đầu tư và Chi cục Hải quan mở tại Bắc Giang, hình thành cửa khẩu đường sắt vào sâu trong nội địa. Từ ga liên vận này, lần đầu tiên toàn bộ hàng hóa xuất khẩu trực tiếp từ Bắc Giang sang Trung Quốc và ngược lại. Ước tính khối lượng hàng hóa xuất khẩu qua ga này một năm trên 12 tỷ USD. Xuất nhập khẩu bằng đường sắt còn giải quyết giảm chi phí logistics, chi phí vận tải, ách tắc tại các cửa khẩu.

Bên cạnh đó, đường sắt Việt Nam đã được nâng cấp, mở các kho hàng, bãi hàng, các tuyến liên vận quốc tế, ví dụ như từ ga Yên Viên mở thẳng sang ga Thạch Gia Trang của Trung Quốc, tuyến đường sắt liên vận chạy thẳng từ ga Sóng Thần (Bình Dương) sang Trung Quốc. Trong 5 năm gần đây, năm 2023, nhờ phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, Tổng công ty kinh doanh không bị lỗ.

Lĩnh vực đường thủy nội địa có nhiều công trình tạo động lực như kênh Nối Đáy – Ninh Cơ rút ngắn hơn 80km tuyến vận tải thủy từ Hòa Bình về đến Ninh Bình, tiết kiệm 5 giờ hành trình của phương tiện và khoảng 400 tỷ đồng chi phí xăng dầu mỗi năm cho doanh nghiệp. Ở phía Nam, tuyến kênh Chợ Gạo là tuyến huyết mạch kết nối từ vùng đồng bằng sông Cửu Long lên vùng Đông Nam Bộ đã nâng cấp và được đưa vào khai thác.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, năm 2023 đã đưa vào khai thác 475 km cao tốc. Con số này xấp xỉ bằng cả nhiệm kỳ 2016 – 2020. Đây là những điểm sáng về kết cấu hạ tầng năm 2023.

Khẳng định việc phân cấp, ủy quyền trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là tất yếu khách quan, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho hay, năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 5 quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông. Đây là bức tranh của hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Để thực hiện được điều này, khối lượng công việc là “khổng lồ”, dự kiến để đầu tư hạ tầng giao thông đến 2030 khoảng 2 triệu tỷ đồng. Với khối lượng công việc này, một mình Bộ Giao thông Vận tải không thể thực hiện được, do vậy không thể thiếu việc các địa phương tham gia vào phát triển kết cấu hạ tầng.

Đặc biệt, việc phân cấp thời gian vừa qua đã phát huy ngay hiệu quả. Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải tập trung vào quản lý Nhà nước, chỉ thực hiện các dự án có tính phức tạp cao, sử dụng công nghệ mới. Thực tiễn đã chứng minh các cao tốc Hải Phòng – Hạ Long, Hạ Long – Vân Đồn, Vân Đồn – Móng Cái, các địa phương đã chủ động xin được phân cấp là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án. Tuyến cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ do tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư đã được khánh thành. Tất cả các dự án do địa phương làm chủ đầu tư như Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Hà Nội, Biên Hòa – Vũng Tàu… đều đã khởi công. Các địa phương đều chủ động giải phóng mặt bằng và thu xếp nguồn vật liệu xây dựng thực hiện dự án.

“Về phân cấp ủy quyền, có hai vấn đề tôi muốn nói đến: thứ nhất, là tất yếu khách quan; hai là, việc đầu tư phân cấp đã và đang phát huy hiệu quả tốt”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.

Trao đổi thêm, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, năm qua, ngành giao thông có nhiều điểm sáng về đường cao tốc, đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư muốn tham gia các dự án xây dựng cảng nước sâu, cảng container như ở Cần Giờ, Ninh Chiểu… Về đường bộ, không chỉ là phân cấp cho địa phương cùng làm, mà việc huy động nguồn vốn theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã thực hiện tốt. Ngày 1-1-2024 đã khởi công tuyến đường cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị đi Trà Lĩnh (Cao Bằng) thực hiện bằng phương thức PPP. Sân bay Điện Biên sẽ hoàn thành nâng cấp, mở rộng trong năm 2024.

Theo TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.