(Chinhphu.vn) – Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết, Tỉnh ủy, chính quyền và nhân dân Hải Dương luôn chào đón và cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản các điều kiện tốt nhất để hai bên hợp tác thành công. Bí thư tỉnh…
Nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản từ ngày 15-18/12, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 2 về số lượng dự án và vốn đầu tư trong các đối tác có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Hải Dương. Sự đầu tư, hợp tác của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Hải Dương đã góp phần giúp tỉnh có sự tăng trưởng cao trong những năm gần đây.
Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, xung quanh vấn đề này.
Trong khối doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Hải Dương, các doanh nghiệp Nhật Bản thực sự là những đơn vị tiêu biểu trong việc chấp hành pháp luật Việt Nam, luôn nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; có quan hệ thân thiện, cởi mở với chính quyền, nhân dân và người lao động. Ông có thể chia sẻ sự hợp tác giữa tỉnh Hải Dương với các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Nhật Bản hiện nay?
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương: Hiện nay tại Hải Dương có 67 dự án đầu tư của Nhật Bản với tổng vốn đầu tư trên 1,6 tỷ USD. Nhật Bản hiện đang là một trong những quốc gia có nhiều dự án đầu tư vào tỉnh, đứng thứ hai về số lượng dự án và số vốn đầu tư trong các quốc gia đầu tư trên địa bàn (chiếm 13% số lượng dự án FDI và 16% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án FDI).
Các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Hải Dương chủ yếu vào các khu công nghiệp (KCN) với hình thức đầu tư là 100% vốn đầu tư nước ngoài. Quy mô vốn bình quân một dự án của Nhật Bản là 24 triệu USD. Ngành nghề chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, linh kiện cơ khí, thiết bị viễn thông, khuôn đúc, dây và cáp điện ô tô.
Một số doanh nghiệp có quy mô vốn lớn đang hoạt động: Công ty TNHH CN Brother, Công ty TNHH Sumindenso, Công ty TNHH Điện tử UMC, Công ty TNHH Uniden… Trong đó, Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên của Nhật hoạt động sản xuất kinh doanh tại tỉnh ở KCN Đại An gần 20 năm qua, từ 2004. Công ty này không ngừng mở rộng và hiện nay có 5 nhà máy ở trong và ngoài KCN.
Trong những năm qua, được sự quan tâm ủng hộ của Chính phủ hai nước, tỉnh Hải Dương đã tích cực thực hiện nhiều hoạt động tăng cường mối quan hệ hợp tác và phát triển với các địa phương và nhà đầu tư Nhật Bản, nhằm góp phần nâng cao mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước. Đơn cử như, vào tháng 5/2022, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, tỉnh Hải Dương đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nhân Nhật Bản, để lắng nghe những đề xuất, kiến nghị, qua đó kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư Nhật Bản đang hoạt động tại tỉnh. Chúng tôi cũng tổ chức nhiều cuộc đón tiếp các nhà đầu tư Nhật Bản đến tìm hiểu đầu tư vào tỉnh Hải Dương (đó là các tập đoàn, doanh nghiệp Hitachi, Aeon, Nissei, Fujita…).
Trong năm 2022-2023, tỉnh Hải Dương cũng đã tổ chức thành công 2 đoàn xúc tiến đầu tư, thương mại tại Nhật Bản (là đoàn xúc tiến thương mại đầu tư tại tỉnh Kagoshima và đoàn tham gia diễn đàn kinh tế kiều bào lần thứ hai nhằm kết nối hợp tác địa phương-doanh nghiệp Việt Nam Kyushu tại tỉnh Fukuoka). Các chuyến làm việc này đều đạt kết quả như mong đợi.
Để có thể đón nhận thu hút đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản, Hải Dương đã quy hoạch phát triển vùng công nghiệp động lực, dự kiến thành lập khu kinh tế chuyên biệt như thế nào, thưa ông?
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương: Tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển các KCN vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam, gồm 21 KCN và 3 KCN mở rộng (sau đây gọi chung là 24 KCN) với tổng quy mô diện tích khoảng 4.508 ha.
Đến nay, tỉnh Hải Dương đã có 16 KCN được thành lập với tổng diện tích 2.588 ha; trong đó có 11 KCN với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.470 ha đã đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình kết cấu hạ tầng KCN, tỉ lệ lấp đầy trung bình các KCN đạt khoảng 87%.
Có 6 KCN (trong đó là 5 KCN mới và giai đoạn 2 của KCN Đại An mở rộng), với tổng diện tích khoảng 1.118 ha đã hoàn thiện và đang thi công xây dựng hạ tầng hoàn thiện hoàn toàn trong năm 2024.
Nằm trong vùng kinh tế quan trọng ở phía bắc là tam giác kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, chỉ cách Thủ đô Hà Nội 57 km về phía tây và thành phố cảng Hải Phòng 45 km về phía đông, Hải Dương đang có nhiều tiềm năng, lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Và trong tương lai gần, Hải Dương hy vọng sẽ trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ lớn ở miền Bắc Việt Nam. Vì thế, chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản hãy đầu tư vào tỉnh. Chúng tôi cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư.
Nhân dịp Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ Nhật Bản-ASEAN từ ngày 15-18/12, tỉnh Hải Dương có mong muốn, đề nghị gì để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa tỉnh với các nhà đầu tư Nhật Bản?
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương: Chúng tôi luôn đánh giá cao vai trò, vị trí quan trọng của các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư tại Hải Dương, đồng thời chúng tôi cũng rất mong muốn thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đến đầu tư tại tỉnh.
Chúng tôi mong muốn được hợp tác, kêu gọi đầu tư với Nhật Bản vào các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, logistics, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và hỗ trợ đào tạo nhân lực. Cùng với đó quan tâm hơn nữa đến nông nghiệp sạch công nghệ cao, sản xuất hàng tiêu dùng, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thương mại dịch vụ, trung tâm thương mại… Đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, chúng tôi rất muốn tìm kiếm các nhà đầu tư Nhật Bản cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao để đáp ứng chất lượng khám, chữa bệnh của người dân.
Hải Dương cam kết sẽ hỗ trợ với các điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động, sản xuất-kinh doanh thành công trên địa bàn tỉnh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Giang Oanh (thực hiện)