Tỷ giá USD trên thế giới trong tuần qua

Chỉ số USD Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt đứng ở mức 103,19, giảm 0,20%.

 Biểu đồ biến động Chỉ số DXY trong tuần qua. Ảnh: Marketwatch

Trong phiên giao dịch đầu tuần, đồng USD tiếp tục đà giảm 0,18%, xuống mốc 103,23, bởi kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hoàn tất việc tăng lãi suất và có thể bắt đầu tiến hành cắt giảm vào nửa đầu năm tới. Lúc đó, chỉ số DXY đã hướng tới mức giảm hằng tháng hơn 3%, con số giảm lớn nhất kể từ tháng 11-2022. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi một loạt sự kiện và dữ liệu trong tuần này có thể xác định xu hướng lãi suất trong tương lai trên toàn cầu.

Thậm chí, chỉ một ngày sau, đồng bạc xanh giảm thêm 0,47%, xuống mốc 102,73, khi các nhà đầu tư tiếp tục đưa ra quan điểm rằng tăng trưởng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bắt đầu chậm lại, với việc thị trường bắt đầu định giá việc cắt giảm lãi suất vào nửa đầu năm tới. Theo công cụ FedWatch của CME, hợp đồng tương lai lãi suất của Mỹ định giá 33% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3-2024.

Sang ngày 30-11, đồng USD “nhọc nhằn” tăng 0,12%, đạt mốc 102,86, sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn trong quý III so với báo cáo ban đầu. Thông tin từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng 5,2%, nhanh hơn mức 4,9% được báo cáo trước đó. Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ quý IV-2021 và vượt kỳ vọng của các nhà kinh tế ở mức 5%.

Để rồi tới ngày giao dịch đầu tiên của tháng 12, chỉ số DXY lấy lại mốc 103 (tăng 0,75%, đạt 103,51 điểm), bất chấp các báo cáo cho thấy lạm phát ở Mỹ tiếp tục ở mức vừa phải trong tháng 10 và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng trong tuần gần nhất cho thấy thị trường lao động đang chậm lại. Theo đó, lạm phát Mỹ được đo bằng Chỉ số Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) không thay đổi trong tháng 10, sau khi tăng 0,4% trong tháng 9. Bên cạnh đó, Chỉ số PCE đạt mức tăng hằng năm là 3,0% trong tháng 10. Trong khi đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu của tiểu bang đã tăng 7.000 đơn, lên mức 218.000 trong tuần trước.

Vậy nhưng, đà tăng đó lại bị chặn mất khi ở phiên giao dịch cuối cùng trong tuần, đồng USD quay đầu giảm 0,29%, xuống mốc 103,21, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra quan điểm thận trọng trước những động thái lãi suất tiếp theo. Ông Powell nhấn mạnh rằng, chính sách tiền tệ của Mỹ đã khiến nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại đúng như dự báo, nhưng lưu ý rằng Fed sẵn sàng thắt chặt chính sách hơn nữa nếu thấy phù hợp.

Trong khi đó, đồng Euro giảm 0,1% và đạt mức 1,0874 USD, còn đồng bảng Anh tăng 0,5%, đạt mức 1,2699 USD. So với đồng yên Nhật, đồng USD giảm 0,9%, xuống mức 146,855 yên. Đồng yên đang trên đà tăng tuần thứ ba liên tiếp, kéo nó ra khỏi mức thấp nhất trong gần 33 năm là 151,92 yên/USD.

 Tỷ giá USD hôm nay (3-12-2023): Đồng USD “chật vật” lấy lại mốc 103. Ảnh minh họa: CNBC

Tỷ giá USD hôm nay trong nước 

Trên thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 3-12, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm tuần 4 đồng, hiện ở mức: 23.923 đồng.

* Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào – bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức: 23.400 đồng – 25.069 đồng.

Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau:

Tỷ giá USD

Mua vào

Bán ra

Vietcombank

24.080 đồng

24.450 đồng

Vietinbank

24.090 đồng

24.510 đồng

BIDV

24.145 đồng

24.445 đồng

* Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào – bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức: 24.786 đồng – 27.395 đồng.

Tỷ giá Euro tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau:

Tỷ giá Euro

Mua vào

Bán ra

Vietcombank

25.781 đồng

27.197 đồng

Vietinbank

25.556 đồng

26.846 đồng

BIDV

26.082 đồng

27.214 đồng

MINH ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.