(KTSG) – Cùng nhìn lại các thách thức để định hình lại con đường phát triển của TPHCM… TPHCM rất cần có một giai đoạn chững lại, thậm chí là có một bước lùi để sau đó có thể tiến lên mạnh mẽ sau khi đã xây dựng thành công…
(KTSG) – Cùng nhìn lại các thách thức để định hình lại con đường phát triển của TPHCM…
Là mô hình siêu đô thị thành công của cả nước từ sau thời kỳ đổi mới đến nay, TPHCM luôn được xem như đầu tàu, đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt quá trình phát triển kinh tế – xã hội, định hình các mô thức vận hành mới và tạo các cú huých đột phá làm tiền đề cho các địa phương khác cùng tăng trưởng. Tuy nhiên, sau gần 40 năm liên tục phát triển, TPHCM có dấu hiệu chững lại khi các động lực phát triển có khuynh hướng bão hòa trước bối cảnh thế giới và trong nước đang có nhiều chuyển đổi mạnh mẽ.
Đứng trước bước ngoặt này, TPHCM đang phải đối diện với ba thách thức hàm chứa nhiều mâu thuẫn lớn: Thứ nhất, dư địa phát triển kinh tế theo chiều rộng dần cạn kiệt trong khi động lực và tiềm năng phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chiều sâu lại không rõ ràng; Thứ hai, nguồn nhân lực có dấu hiệu không đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế có độ mở lớn trong khi việc thu hút và trọng dụng người tài giỏi còn phải cân nhắc đến yếu tố chênh lệch giàu nghèo và các hạ tầng cơ bản; Thứ ba, để giữ vững vai trò đầu tàu và tiếp tục dẫn dắt trong bối cảnh chuyển đổi, TPHCM rất cần cải cách lớn cả về hạ tầng cứng và các thiết chế chính sách, văn hóa – xã hội nhưng liệu đó có phải là điều mà các đối tượng liên quan mong muốn và chấp nhận?
Cùng nhìn lại các thách thức để định hình và đánh giá vai trò của TPHCM là điều cần thiết phải làm trước khi thực hiện quy hoạch kinh tế – xã hội TPHCM trong giai đoạn tiếp theo.
Tiếp tục phát triển kinh tế theo chiều rộng hay nỗ lực thúc đẩy hướng đi theo chiều sâu?
Với đặc điểm “thị có trước thành có sau”, TPHCM mang tính chất kinh tế thị trường khá rõ nét khi vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được phát huy khá mạnh, đóng góp lớn cho GRDP và vốn đầu tư phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, các thể chế chính thức và phi chính thức của thành phố lại chưa đủ sức thúc đẩy hình thành một nền kinh tế thị trường đủ phồn thịnh để có thể tự vượt qua các thách thức và có khả năng thích ứng cao khi bối cảnh thế giới và trong nước thay đổi.
Hơn 97% doanh nghiệp tư nhân và cổ phần ở TPHCM là nhỏ và vừa, trong đó đa phần là doanh nghiệp dân doanh đi lên từ hộ kinh doanh cá thể. TPHCM vẫn chưa hình thành được nhóm các doanh nghiệp lớn mang tính chất dẫn dắt và định hình năng lực cạnh tranh của các ngành sản xuất, kinh doanh. Vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp cũng chưa thể phát huy và khá lu mờ.
Sau gần 40 năm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các hoạt động sản xuất của TPHCM vẫn còn dừng lại ở các công đoạn lắp ráp thô sơ, đem lại giá trị gia tăng thấp, dễ bị thay thế và thâm dụng nguồn lực đầu vào bao gồm đất đai và lao động khá lớn. Điều này khiến thành phố khó lòng dịch chuyển từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức.
Hạ tầng xã hội quá tải khiến TPHCM khó lòng giữ vững và thu hút thêm người từ các nơi khác đến gia nhập thị trường lao động. Trong khi đó, quỹ đất sạch dần cạn kiệt, thực trạng giá bất động sản TPHCM tăng cao khiến chi phí sản xuất kinh doanh cũng tăng theo, các ngành công nghiệp sản xuất truyền thống thâm dụng đất và đem lại giá trị gia tăng thấp sẽ phải dần dịch chuyển ra khỏi thành phố để đến các địa phương ngoại vi có chi phí đất đai rẻ hơn. Nếu chỉ hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thương mại thì sẽ ảnh hưởng đến năng lực tự sản xuất của cải vật chất của TPHCM và vấn đề an ninh đô thị, nhưng nếu vẫn tiếp tục phát triển kinh tế theo chiều rộng thì cho dù có nỗ lực cũng chẳng thể tăng trưởng mạnh và bền vững.
Tuy nhiên, phát triển nền kinh tế theo chiều sâu để dịch chuyển trên chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng đòi hỏi phải đổi mới sáng tạo dựa trên nguồn lực lớn về vốn, công nghệ và con người, trong đó, những cải cách về thể chế như các chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chính sách thu hút và trọng dụng người tài, các thể chế phi chính thức chịu tác động bởi giáo dục, văn hóa phải được cải cách mạnh mẽ.
Hiệu quả hay công bằng, câu chuyện của yếu tố xã hội
Sau nhiều đề án nghiên cứu về đặc tính và biểu tượng của TPHCM, danh xưng “Thành phố nghĩa tình” vẫn là sự lựa chọn của số đông người dân. Trong gần bốn mươi năm qua, TPHCM là nơi dang tay chào đón người dân ở khắp mọi miền đất nước đến đây để sinh sống và làm việc. Nhóm các tổ chức, cá nhân làm công tác xã hội tại TPHCM phát triển khá mạnh.
Tuy nhiên, hạ tầng xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông, hạ tầng giáo dục và y tế của TPHCM hiện đang bị quá tải trầm trọng. Điểm yếu này bộc lộ rõ nét, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng như đại dịch Covid-19. Chính vì thế, sức hấp dẫn của thành phố cũng giảm dần khiến các cơ hội thu hút người tài giỏi và các nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh cũng dần hạn chế.
Cơ chế trọng dụng người tài giỏi tuy hiệu quả về mặt kinh tế nhưng có tính cạnh tranh gay gắt và đào thải khắc nghiệt. Để thực hiện các chính sách này, sự kháng cự từ các mô thức vận hành cũ sẽ là điều tất yếu gây khó khăn cho hoạt động chuyển đổi. Hơn nữa, cơ chế trọng dụng người tài có thể là nguồn gốc của sự chênh lệch giàu nghèo và bất bình đẳng khi tạo ra một tầng lớp tinh hoa có thu nhập và chất lượng sống vượt bậc. Nguồn ngân sách giới hạn của thành phố dành cho việc thu hút nhóm người tài khả năng cao sẽ gây thu hẹp nguồn lực dành cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.
Nhà ở xã hội là một phân khúc bất động sản thiếu thốn nghiêm trọng bên cạnh các hạ tầng y tế, giáo dục công dành cho nhóm đối tượng người nghèo, người nhập cư và lao động có thu nhập thấp ở TPHCM. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của các loại hình bất động sản và dịch vụ này không cao nên không hấp dẫn các doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia, trong khi khu vực công và các doanh nghiệp, tổ chức xã hội lại khó có đủ nguồn lực để thực hiện hiệu quả và khả thi.
Cải cách toàn diện có phải là điều thật sự phù hợp?
Nhiều vấn đề trục trặc của thành phố mang tính hệ thống đòi hỏi cải cách toàn diện. Gần đây, ý tưởng xây dựng mô hình giao thông công cộng TOD để giải quyết vấn đề ách tắc và quá tải hạ tầng vận tải là một quyết tâm cao để cải thiện môi trường sống của thành phố. Tuy nhiên, đặc điểm quy hoạch không gian còn khá chồng chéo với nhiều khu ổ chuột, đường sá nhỏ hẹp và hệ thống hạ tầng thoát nước, viễn thông còn hạn chế đòi hỏi phải tiến hành một cuộc đại phẫu thuật cho hạ tầng cứng. Trong khi đó, thói quen và văn hóa đi lại của người dân thành phố sẽ là một cản trở rất lớn cho quá trình này.
Để phát triển thành phố lên một tầm cao mới, việc nhìn nhận các ngành kinh tế theo chuỗi giá trị và chính sách hỗ trợ dựa vào các cụm ngành sẽ phù hợp hơn là chỉ thúc đẩy các ngành mũi nhọn dễ tạo ra tâm lý ỷ lại và giảm năng lực cạnh tranh tự nhiên. Tuy nhiên, thay đổi chiến lược quản lý theo hướng mới đòi hỏi năng lực quản trị của khu vực công và tư duy đổi mới, trong khi đó, sức ì của bộ máy nhà nước lại đang tạo rào cản chuyển đổi.
Các hạ tầng phục vụ chuyển đổi TPHCM đòi hỏi phải có nguồn lực về vốn không chỉ lớn mà phải là rất lớn trong khi đó thành phố vẫn phải tiếp tục đảm bảo vai trò đóng góp ngân sách lớn cho cả nước. Nếu chỉ tăng nguồn ngân sách giữ lại lên vài phần trăm thì sẽ không đủ ý nghĩa để có thể xây dựng lại hệ thống hạ tầng và đầu tư hoàn chỉnh các đề án đổi mới sáng tạo. Như vậy, thành phố sẽ mãi lơ lửng ở tình trạng chuyển đổi không xong mà duy trì cũng chẳng được.
Khi cần sắp xếp lại các mô thức vận hành, cải cách và kiện toàn hệ thống cơ sở hạ tầng và các thiết chế xã hội, TPHCM rất cần có một giai đoạn chững lại, thậm chí là có một bước lùi để sau đó có thể tiến lên mạnh mẽ sau khi đã xây dựng thành công nền tảng của động lực phát triển mới. Nhưng liệu điều này có nằm trong dự liệu và mức sẵn sàng chấp nhận của lãnh đạo và người dân thành phố, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế đang suy thoái và áp lực tăng trưởng vẫn đang đè nặng lên các kế hoạch và mục tiêu phát triển mà thành phố được giao?
Giải pháp nào cho TPHCM?
Có lẽ hơn lúc nào hết, TPHCM cần xác định điều mà các đối tượng trong xã hội thật sự mong muốn và định vị đúng vai trò của thành phố trong bối cảnh mới để có được một hướng đi đúng đắn và phù hợp.
Dù muốn có những bước phát triển đột phá, nắm bắt các cơ hội từ thị trường quốc tế và thể hiện vai trò đầu tàu, TPHCM vẫn cần phải thực tế để cân nhắc đúng những nguồn lực về vốn, công nghệ và con người nhằm có những giải pháp không chỉ hiệu quả mà còn cần phải khả thi. Một giải pháp đơn giản như xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp có khi sẽ là một bước đi khôn ngoan, giúp thành phố đảm bảo được cả yếu tố kinh tế và xã hội.
Việc xây dựng giao thông TOD và các hạ tầng phù hợp để thu hút người tài và đáp ứng nhu cầu của người dân nhập cư cần phải bắt đầu bằng việc quy hoạch cụ thể các khu vực khác nhau để phân tầng chất lượng dịch vụ đi kèm với chi phí sống. Sẽ không thể thu hút các chuyên gia, các kỹ sư tài giỏi từ khắp nơi trên cả nước và thế giới đến thành phố để tham gia vào công cuộc đổi mới sáng tạo, chuyển đổi nền kinh tế nếu không có được hệ thống giao thông, hạ tầng y tế và giáo dục hiện đại, xứng tầm. Tuy nhiên, thành phố cũng không thể bắt những người lao động bình dân phải trả một mức phí cho các dịch vụ công quá cao nếu họ cũng sống và hưởng những tiện ích đó.
Mặt trái của thành phố nghĩa tình là sự cạnh tranh không công bằng của các dịch vụ tự phát đến từ lao động tự do sẽ lấn át các dịch vụ chuyên nghiệp và khó tạo ra nguồn thu ngân sách bền vững phục vụ các dịch vụ và hàng hóa công. Do đó, về lâu dài, các loại hình kinh doanh vỉa hè, hàng rong cũng cần được xem xét quy hoạch dần và quản lý không gian bài bản, vừa không ảnh hưởng đến sinh kế người dân, vừa đảm bảo tạo ra một thị trường cung ứng sản phẩm dịch vụ chất lượng và có trách nhiệm xã hội cao.
Cuối cùng, trước khi thực hiện chiến lược thu hút và trọng dụng người tài phục vụ cho bộ máy nhà nước, thành phố rất cần phải cải cách bộ máy và thể chế hoạt động khu vực công, cơ cấu lại nhân sự hợp lý để tăng khả năng phối hợp, mức độ năng động và thói quen không ngừng học tập và thích ứng của các công chức. Có như vậy, các đề án thu hút và trọng dụng người tài mới phát huy tác dụng, tránh lãng phí nguồn ngân sách nhà nước và tâm lý e ngại làm việc cho khu vực công của những người có năng lực.
(*) Thành viên nhóm FUSE – cựu học viên Fulbright về kinh tế xã hội đô thị
Kinh tế Sài Gòn Online