(Chinhphu.vn) – Trong chương trình thăm chính thức Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, sáng 30/11 (giờ địa phương), tại Thủ đô Ankara, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ-Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam tạo điều kiện…
Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hội đồng Kinh tế đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp tổ chức. Cùng dự diễn đàn có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương và gần 200 nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ.
Thời gian qua, hợp tác thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ phát triển tốt đẹp, trong đó nhiều doanh nghiệp lớn Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào các dự án hạ tầng cơ sở của Việt Nam. Trao đổi thương mại 2 nước đạt kim ngạch 2,4 tỷ USD trong năm 2022, có tiềm năng để tăng cường hơn nữa kim ngạch thương mại. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất từ khu vực Trung Đông vào Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt gần 1 tỷ USD.
Tại diễn đàn, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ được giới thiệu về tiền năng, nhu cầu hợp tác đầu tư, kinh doanh của mỗi bên; chia sẻ bài học thành công trong hợp tác, đầu tư.
Đặc biệt, lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ giải đáp các vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp hai nước cùng quan tâm. Ngay tại diễn đàn, một số cơ quan, doanh nghiệp hai nước đã ký kết các thỏa thuận hợp tác.
Lãnh đạo các bộ, cộng đồng doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ có thế mạnh và mong muốn hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực: Xây dựng hạ tầng giao thông, sản xuất hàng gia dụng, khoa học công nghệ, tài chính, hàng không, logistics, năng lượng tái tạo, dược phẩm, nông nghiệp, công nghiệp Halal… Phía Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam đầy tiềm năng và thông qua Việt Nam để thâm nhập sâu vào thị trường ASEAN.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng sự phát triển vượt bậc của Thổ Nhĩ Kỳ, trở thành 1 trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung vào các ngành mới nổi, tận dụng được lợi thế là giao điểm giữa 3 châu lục (châu Âu, châu Á và châu Phi) để phát triển.
Trong đó, châu Âu có trình độ phát triển kinh tế-xã hội cao, châu Á là khu vực đang phát triển rất năng động và châu Phi là nơi có tiềm năng phát triển rất lớn.
Thông tin tới diễn đàn về tình hình Việt Nam, Thủ tướng Phạm Chính cho biết, Việt Nam xây dựng đất nước dựa trên 3 trụ cột chính là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Xuyên suốt quá trình đó, Việt Nam lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Việt Nam đang tập trung 3 đột phá chiến lược, gồm đột phá về xây dựng, hoàn thiện thể chế; đột phá về phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông; đột phá về phát triển nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính. Qua đó, có hệ thống chính sách thông thoáng, hệ thống hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.
“Đây là những yếu tố nền tảng để các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam làm ăn ổn định, hiệu quả tại Việt Nan”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam tập trung và mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực phát triển mới. Việt Nam tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp lớn, công nghệ cao, có kinh nghiệm quản lý, trong đó có doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ còn rất lớn, song cơ chế hợp tác còn hạn hẹp. Việt Nam đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ và hai bên tiến tới đàm phán hiệp định thương mại tự do… để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn.
Trong chuyến thăm chính thức này của Thủ tướng tới Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên đã bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới; tạo điều kiện hơn thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân…; tạo môi trường, hệ sinh thái để doanh nghiệp hai nước hợp tác, đầu tư toàn diện, sâu sắc hơn, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mỗi nước.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Việt Nam luôn đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp phát triển thuận lợi; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng thời gian tới, hợp tác kinh tế giữa hai nước sẽ được nâng lên tầm cao mới, hiệu quả ngày càng cao, trong đó có sự đóng góp tích cực, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Hà Văn