Tiến sĩ Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn-IPSARD (Bộ NN-PTNT) chia sẻ: Thế giới ngày càng có những đòi hỏi, yêu cầu đặt ra về việc bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là lý do Bộ NN-PTNT được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp cùng với các bộ, ngành trung ương, địa phương xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt (Dự thảo Đề án đã hoàn thành đang trình Thủ tướng Chính phủ).

Đại diện các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Danviet.vn 

Đề án được xây dựng nhằm hiện thực hóa rất nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển ngành nông nghiệp, trong đó có vùng ĐBSCL, theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu. Mục tiêu của đề án nhằm xây dựng 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường. Đây là đề án mang tính chất đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Đề án này khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai thực hiện sẽ góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Đề án này khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai nếu làm tốt lúa gạo sẽ mang lại đa giá trị: Kinh tế, môi trường, xã hội, văn hóa… Đây chính là cách làm, cách nhìn mới hơn về lúa gạo. Đề án muốn thành công thì người nông dân phải thay đổi từ tư duy, cách nghĩ đến cách làm. Tiêu dùng xanh đang là một xu thế trên toàn cầu. Vì thế, đòi hỏi ngành nông nghiệp, nông dân trồng lúa phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của thị trường, xây dựng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.