(Chinhphu.vn) – Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) về khách hàng sử dụng điện tính đến tháng 10 năm 2023, thì việc tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.006,79 đ/kWh có những tác động khác nhau đối với từng nhóm đối tượng…
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Quyết định số 1416/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, từ ngày 9/11/2023 giá bán lẻ điện bình quân là 2006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân trước đây. Tại 21 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam, mức điều chỉnh này cũng có các tác động khác nhau đến từng nhóm đối tượng khách hàng sử dụng điện.
Cụ thể, đối với nhóm khách hàng sử dụng điện vào mục đích sinh hoạt, mỗi tháng, ở mức tiêu thụ 50 kWh thì tiền điện tăng thêm bình quân mỗi hộ là 3.900 đồng. Theo thống kê, số lượng hộ gia đình sử dụng điện đến mức 50 kWh là 719.636 hộ, chiếm 8,67% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt.
Với các hộ tiêu thụ điện ở mức 100 kWh/tháng, thì mức tăng bình quân tiền điện là 7.900 đồng/hộ. Theo thống kê, số hộ sử dụng điện từ 51-100 kWh là hơn 1 triệu hộ, chiếm 12,56% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt.
Tiếp theo, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ đến 200 kWh/tháng là 17.200 đồng/hộ. Theo thống kê, số hộ sử dụng điện từ 101-200 kWh là hơn 3 triệu hộ, chiếm 36,20% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt. Đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất nhóm sử dụng điện mục đích sinh hoạt.
Tương tự, đối với mức tăng tiền điện bình quân mỗi tháng đối với mỗi hộ tiêu thụ đến mức 300 kWh (1.714.577 hộ), 400 kWh (833.006 hộ) và 500 kWh (985.529 hộ) tương ứng là 28.900 đồng, 42.000 đồng và 55.600 đồng.
Theo tính toán có thể thấy, chi phí sản xuất điện năm 2023 vẫn duy trì ở mức cao, giá thành điện năm 2023 tiếp tục cao hơn năm 2022. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 được Bộ Công Thương công bố ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh.
Thống kê cho thấy, với số khách hàng sử dụng điện trên địa bàn EVNSPC quản lý đến thời điển hiện tại thì đang có khoảng gần 1,8 triệu hộ khách hàng mua điện dưới mức giá điện bình quân sau điều chỉnh.
Về mức tăng trung bình đối với nhóm khách hàng khác cũng có những thay đổi khác nhau.
Với nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt, mức tăng trung bình như sau: Nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ, khách hàng trả thêm khoảng 230.000 đồng/tháng; nhóm sản xuất, sau khi thay đổi giá, khách hàng sẽ trả thêm khoảng 432.000 đồng/tháng.
Hiện nay, tổng số khách hàng EVNSPC cung cấp điện là 9.307.078 khách hàng. Trong đó có 8.355.116 khách hàng sử dụng điện cho mục đích quản lý – tiêu dùng – dân cư; 487.383 khách hàng sử dụng điện mục đích nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản; 144.695 khách hàng sử dụng cho công nghiệp và xây dựng; 154.661 khách hàng sử dụng điện mục đích kinh doanh và dịch vụ; 165.223 khách hàng sử dụng với mục đích khác.
Theo EVN, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng không đáng kể. Theo thống kê, năm 2022 cả nước có hơn 1,27 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.
Đại diện Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, đối với khách hàng, việc điều chỉnh giá điện tức là khách hàng phải tăng thêm một khoản chi hằng tháng. Tuy nhiên, ở lần tăng giá điện lần này, trách nhiệm an sinh, xã hội vẫn được ngành điện tính toán kỹ lưỡng khi mức tăng vẫn hướng tới việc bảo vệ và hỗ trợ người có thu nhập thấp.
Với gần 1,8 triệu khách hàng (chiếm tỉ lệ 21%) trong số hơn 8,3 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt tại địa bàn 21 tỉnh phía Nam mua điện vẫn dưới mức giá điện bình quân sau điều chỉnh, cho thấy, ngành điện vẫn đang nỗ lực đồng hành, hỗ trợ cho khách hàng sử dụng điện.
Theo EVNSPC, trong bối cảnh giá nhiên liệu luôn biến động qua các năm gần, việc vận hành hệ thống máy phát điện bằng nhiêu liệu dầu diesel giá tăng liên tục, EVNSPC đã phải bù lỗ mỗi năm gần 500 tỷ đồng để đảm bảo cung cấp điện cho huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và các nhà dàn DK1 (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Khi thực hiện tiếp nhận, quản lý bán điện trực tiếp tại các huyện đảo, xã đảo, ngành điện đều phải bù lỗ bởi giá thành sản xuất điện khoảng 7.000 đồng/kWh. Cá biệt, có nơi lên tới 72.552 đồng/kWh (như tại huyện đảo Trường Sa).
PV