(KTSG Online) – Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân vươn lên sản xuất lớn, cải thiện thu nhập và…
(KTSG Online) – Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân vươn lên sản xuất lớn, cải thiện thu nhập và đời sống. Nhưng để đạt đạt được hiệu quả tối ưu, đi sát với thực tế một số nội dung của Dự thảo Luật này vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện.
Cần thời hạn sử dụng đất đủ an toàn
Luật Đất đai năm 2013 hiện hành quy định, thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp được giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là 50 năm và nếu có nhu cầu được tiếp tục sử dụng thêm 50 năm mà không cần gia hạn.
So với các Luật Đất đai trước đây, Luật Đất đai năm 2013 đã từng bước mở rộng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp cho đối tượng nông dân nhằm đảm bảo cho người nông dân có thể an tâm canh tác và sản xuất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp hiện nay vẫn khiến cho quyền sử dụng đất nông nghiệp rất kém an toàn với người nông dân.
Bởi lẽ, tiềm lực kinh tế nông hộ ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có đủ nguồn lực để có thể tích tụ diện tích hay đầu tư một nguồn vốn đủ lớn để phát triển sản xuất quy mô rộng. Phần lớn việc tích tụ đất đai, đầu tư cải tạo đất sẽ được thực hiện trong thời gian dài, qua nhiều thế hệ. Vì vậy, quy định về thời hạn sử dụng đất hiện hành vẫn chưa đủ dài để tạo được sự an tâm cho người nông dân khi tích tụ đất đai, đầu tư dài hạn vào đất một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, cũng bởi tiềm lực kinh tế còn yếu nên người nông dân thường phải dùng quyền sử dụng đất để thế chấp cho các khoản vay phục vụ phát triển sản xuất. Như vậy, nếu quyền sử dụng đất sắp hết thời hạn sẽ rất khó để các tổ chức tín dụng thực hiện việc cho vay.
Đồng thời, khi hết thời hạn sử dụng, nếu Nhà nước có nhu cầu thu hồi thì người sử dụng đất sẽ không được bồi thường. Điều này càng làm cho quyền sử dụng đất nông nghiệp càng trở nên kém an toàn đối với người nông dân.
Hiện nay, Điều 173 dự thảo Luật vẫn giữ quy định thời hạn sử dụng đất của người nông dân là 50 năm như Luật Đất đai năm 2013. Do đó, dự thảo Luật cần điều chỉnh tăng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp lên 70 năm như Trung Quốc, để người nông dân yên tâm hơn trong quá trình đầu tư, tích tụ đất đai và phát triển sản xuất.
Thậm chí, cân nhắc sửa đổi quy định theo hướng giao quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo hình thức lâu dài như đất ở; đồng thời, cho phép hộ gia đình, cá nhân khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp vì mục đích phát triển sản xuất cũng được sử dụng đất lâu dài. Chỉ có như vậy, mới giúp người nông dân thật sự yên tâm trong quá trình canh tác, sản xuất.
Phí giao dịch đất nông nghiệp vẫn quá cao
Theo quy định pháp luật hiện hành, quyền sử dụng đất được ghi nhận như một loại tài sản (quyền tài sản). Đây được xem là một cam kết của Nhà nước đối với người sử dụng đất về khả năng được chuyển dịch, lưu thông quyền sử dụng đất trên thị trường nhằm khuyến khích thị trường quyền sử dụng đất phát triển.
Tuy nhiên, đối với thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, dự thảo Luật cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề chi phí giao dịch. Bởi quy định về mức thuế và phí, lệ phí liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất hiện nay tương đối cao nếu so với lợi nhuận có thể tạo ra từ sản xuất nông nghiệp. Đó là chưa kể đến những rủi ro, thiên tai, dịch bệnh mà người nông dân có thể gánh chịu trong quá trình canh tác, sản xuất…
Hiện nay, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định hiện hành sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân ở mức 2% giá chuyển nhượng và lệ phí trước bạ với mức 0,5% giá đất do UBND cấp tỉnh quy định. Ngoài ra còn các loại phí, lệ phí khác như phí công chứng, lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phí thẩm định hồ sơ… cũng khiến nhiều nông dân ngại cũng là lúng túng khi giao dịch.
Do đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định miễn hoặc giảm các loại thuế, phí, lệ phí đối với trường hợp người nông dân chuyển và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp vì mục đích phát triển sản xuất. Điều này có thể tạo động lực cho người nông dân mạnh dạn hơn trong việc tích tụ đất nông nghiệp, chuyển đổi sang sản xuất lớn.
Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất chưa linh hoạt
Luật Đất đai năm 2013 quy định, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. Tuy nhiên, với xu hướng phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, quy mô lớn, đa số nhận định đều đồng tình rằng quy định hiện hành đang khống chế việc tích tụ đất nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp sản xuất quy mô lớn.
Để khắc phục điểm nghẽn này, dự thảo Luật đã nâng hạn mức nhận chuyển quyền từ 10 lần hạn mức giao đất lên 15 lần. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng để khuyến khích nông dân tích tụ đất đai, phát triển sản xuất lớn.
Tuy vậy, một điểm bất hợp lý là hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân và hộ gia đình nông dân được quy định như nhau dù năng lực và nhu cầu sản xuất khác nhau. Thực tế hiện nay, đã có nhiều hộ gia đình nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để trồng lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản với diện tích vượt quá 30 héc ta theo quy định hiện hành.
Như vậy, quy định về hạn mức chung cho cả hai đối tượng vô hình trung đã làm hạn chế khả năng mở rộng quy mô sản xuất của các nông hộ sản xuất giỏi, có kinh nghiệm và có nhu cầu phát triển sản xuất lớn. Do đó, trong dự thảo Luật cần xem xét quy định tách biệt về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa hai chủ thể là cá nhân và hộ gia đình nông dân. Đây là điều cần thiết để tạo điều kiện cho các nông hộ có năng lực sản xuất có thể tích tụ một diện tích đất đủ lớn, phát triển sản xuất hiệu quả hơn.
Mặt khác, khoản 2 Điều 178 dự thảo Luật Đất đai quy định, việc xác định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp tại đại phương căn cứ vào các yếu tố: điều kiện đất đai và công nghệ sản xuất; chuyển dịch lực lượng lao động, cơ cấu kinh tế; quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài các yếu tố được liệt kê này thì còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến việc xác định diện tích sản xuất tối ưu mang lại hiệu quả cao nhất như mô hình sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, kỹ năng quản lý quy trình sản xuất,…
Do đó, trong dự thảo Luật không nên quy định cứng các yếu tố xác định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp mà nên quy định “mở” theo hướng, giao cho UBND cấp tỉnh quy định hạn mức phù hợp với điều kiện thực tế cụ thể và đặc thù của từng địa phương.
Với vai trò là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, chính sách, pháp luật về đất đai cần khuyến khích mạnh mẽ người nông dân tích tụ đất đai vươn lên sản xuất lớn. Điều này giúp phát huy hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập cho người nông dân.
(*) Viện Kinh tế – Xã hội thành phố Cần Thơ
Kinh tế Sài Gòn Online