(KTSG Online) – Nhiều quy định trong dự thảo luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được nhận xét là đang tạo “kẽ hở” cho các tổ chức tín dụng được kinh doanh bất động sản. Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang được trình…
(KTSG Online) – Nhiều quy định trong dự thảo luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được nhận xét là đang tạo “kẽ hở” cho các tổ chức tín dụng được kinh doanh bất động sản.
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ngân hàng Nhà nước cho biết dự thảo tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo…
Tuy vậy, trong văn bản góp ý mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết Luật các tổ chức tín dụng 2010 đều quy định các ngân hàng không được kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, dự thảo Luật sửa đổi đã nêu ra một số trường hợp ngoại lệ.
Trong đó quy định cho phép tổ chức tín dụng mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc và cho phép cho thuê một phần trụ sở kinh doanh thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng chưa sử dụng hết.
“Chính quy định này đã dẫn đến tình trạng các tổ chức tín dụng có xu hướng mở rộng mạng lưới chi nhánh, địa điểm làm việc, cơ sở kho tàng, nhất là xây dựng các tòa nhà cao ốc văn phòng hoành tráng để vừa làm trụ sở, vừa có một phần không nhỏ để kinh doanh BĐS cho thuê”, ông Châu phân tích.
Ngoài ra, Luật các tổ chức tín dụng 2010 cho phép ngân hàng nắm giữ bất động sản liên quan việc xử lý nợ vay trong thời hạn 3 năm mới phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại. Theo Chủ tịch HoREA, quy định này đã tạo dư địa cho các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản không khác gì hoạt động của một doanh nghiệp địa ốc.
Song, Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng lại tăng thời hạn cho phép nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay lên 5 năm thì càng rộng đường thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản. Do đó, chủ tịch HoREA cho rằng cần giữ lại quy định chỉ cho phép tổ chức tín dụng nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay trong thời hạn 3 năm như trước thì hợp lý hơn.
Ông Châu nhận định, với các quy định “bật đèn xanh” cho phép tổ chức tín dụng được thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản không phù hợp với tinh thần tại khoản 2 Điều 98 và Điều 138 Dự thảo Luật (tổ chức tín dụng không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng và tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản).
Do đó đại diện HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần quản lý chặt chẽ tình trạng các ngân hàng mở rộng mạng lưới, trụ sở, chi nhánh, kho tàng để kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, nên quy định thời hạn cho phép nắm giữ bất động sản như luật cũ là ba năm, thay vì 5 năm như dự thảo Luật. Hiệp hội cũng đề nghị bổ sung quy định tỷ lệ mức trần doanh thu kinh doanh bất động sản không vượt quá khoảng 15% tổng doanh thu của tổ chức tín dụng.
Kiến nghị của HoREA đưa ra trong bối cảnh nhiều ngân hàng cho thuê tài sản là các tòa nhà hoặc cụm tòa nhà. Ví dụ giữa năm nay, một ngân hàng thương mại cổ phần tại TPHCM đã chào mời cho thuê 8 tòa nhà, cụm tòa nhà diện tích từ 100 m2 đến hơn 800 m2 tại TPHCM và một số tỉnh như Bình Phước, Sóc Trăng, An Giang… Một số bất động sản trên cũng được ngân hàng dùng một phần làm phòng giao dịch hoặc chi nhánh.
Các chuyên gia cho rằng bản chất hoạt động này là kinh doanh bất động sản, tuy nhiên kẽ hở luật khiến ngân hàng vẫn có thể thực hiện được. Nếu điều này kéo dài có thể sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh tín dụng của nhiều ngân hàng khi tập trung kinh doanh bất động sản.
Kinh tế Sài Gòn Online