Khẳng định cam kết, quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu

(Chinhphu.vn) – Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 10/11, Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc…

Fatz Admin lúc 2023-11-10

(Chinhphu.vn) – Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 10/11, Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Khẳng định cam kết, quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cần khẳng định áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ngày 8/10/2021, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra tuyên bố Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số. Các quy định về việc áp dụng Thuế Tối thiểu toàn cầu của OECD, hay còn được gọi là quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu được OECD đề xuất và bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

Thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế TTTC, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trước bối cảnh nêu trên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng Thuế TTTC. Theo hướng dẫn của OECD về quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Thuế TTTC có bản chất là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và các nước cần quy định trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp…

Nhiều nước đã nội luật hoá để áp dụng

Trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Lê Quang Mạnh đã khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết và cho biết nội dung thực hiện thuế TTTC này đã đạt được sự thoả thuận tham gia của hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nhiều nước đã nội luật hoá các quy định này để áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2024. Nếu Việt Nam không nội luật hoá các quy định về thuế TTTC thì các nước xuất khẩu đầu tư sẽ được thu khoản thuế TNDN bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đang nộp thuế TNDN thực tế dưới 15%. 

Vì vậy, để giữ quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh các nước xuất khẩu đầu tư sang Việt Nam sẽ thực hiện thuế TTTC từ kỳ tính thuế TNDN năm 2024, đa số ý kiến trong Uỷ ban TCNS cho rằng, cần thiết phải ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế TTTC có thể kê khai thuế TNDN bổ sung tại Việt Nam  thay vì để các nhà đầu tư nước ngoài nộp khoản thuế bổ sung này tại nước mẹ. Mặt khác, việc sớm ban hành Nghị quyết sẽ thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế TTTC từ 1/1/2024, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam.

Trong bối cảnh Chính phủ chưa triển khai kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN để quy định vào Luật các nội dung liên quan đến thuế TTTC, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí cần tạm thời ban hành Nghị quyết (thí điểm) của Quốc hội về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo Quy định về thuế TTTC của OECD trước khi tiến hành sửa Luật để bảo đảm quyền thu thuế của Việt Nam, phù hợp với xu thế và chuẩn mực quốc tế trong quản lý thuế; đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về kế hoạch, thời gian sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN để bảo đảm các nội dung về thuế phải được quy định một cách thống nhất trong Luật. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành Nghị quyết và hình thức văn bản đã bảo đảm thực hiện đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Về hồ sơ dự thảo Nghị quyết, Uỷ ban TCNS đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung dự thảo văn bản quy định chi tiết các nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết tại theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về hình thức văn bản, Chính phủ đề nghị tên gọi của Nghị quyết không có chữ “thí điểm” để bảo đảm sự chắc chắn cho văn bản đạt chuẩn khi OECD hoặc các nước có quyền lợi liên quan thực hiện rà soát đồng cấp. Đây là vấn đề về hình thức văn bản. Tuy nhiên, để giảm tối đa các vướng mắc có thể có cho các nhà đầu tư khi thực hiện kê khai thuế tại nước mẹ, đa số ý kiến trong Uỷ ban TCNS nhất trí với việc không có chữ “thí điểm” trong tên gọi của Nghị quyết, song về bản chất, Nghị quyết này vẫn là một Nghị quyết thí điểm do có những quy định về chính sách mới, khác với các quy định của các luật hiện hành. Theo đó, cần có các quy định cụ thể về thời hạn áp dụng và kết thúc theo đúng quy định của Luật Ban hành Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đòi hỏi sự phối hợp với tổ chức thuế quốc tế và cơ quan thuế các nước

Về điều kiện đảm bảo cho việc thi hành Nghị quyết, dự thảo Nghị quyết quy định việc thu thuế TTTC của Việt Nam và cũng liên quan trực tiếp đến nội dung phân chia quyền đánh thuế quốc tế đối với các tập đoàn đa quốc gia thuộc diện điều chỉnh của nhiều nước có liên quan. Vì vậy, khi thực hiện có thể dẫn đến khả năng vướng mắc, khiếu nại về số thuế phải nộp, về cách tính toán,… của các doanh nghiệp là thành viên tập đoàn đa quốc gia. Do đó, Uỷ ban TCNS đề nghị các cơ quan quản lý liên quan chuẩn bị các giải pháp để bảo đảm việc triển khai thực hiện các quy định của Nghị quyết được thuận lợi, tránh phát sinh các mâu thuẫn, tranh chấp quốc tế.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Lê Quang Mạnh, việc áp dụng thuế TTTC là một nhiệm vụ khó khăn và phức tạp đối với cơ quan quản lý thuế khi thực hiện quản lý thu từ các cơ chế thuế khác nhau, trong đó cần chuyển hoá các Quy định về thuế TTTC của OECD thành các quy trình quản lý thuế thực tiễn, thiết kế các thủ tục hành chính, biểu mẫu mới, điều chỉnh hệ thống công nghệ thông tin, phân tích tác động kinh tế, dự báo thu… và đặc biệt là nhận diện những tập đoàn nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng thuế TTTC thay đổi hàng năm.

Các nội dung này đòi hỏi sự phối hợp với tổ chức thuế quốc tế và cơ quan thuế các nước, triển khai các hoạt động hợp tác đa phương về trao đổi thông tin tự động phục vụ thu thuế TTTC cũng như từ góc độ tổ chức bộ máy, cơ chế thực hiện trong nước. Tờ trình của Chính phủ đã đề cập sơ bộ đến một số nội dung để bảo đảm cho việc thi hành Nghị quyết song chưa bao trùm được các nội dung công việc cần thiết nêu trên. 

Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các nội dung này để bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện Nghị quyết; xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai chính thức, làm rõ về các công việc cụ thể, phân công trách nhiệm, tổ chức bộ máy và nguồn lực để kịp thời đáp ứng năng lực thực hiện cho cơ quan thuế cũng như người nộp thuế.

Ủy ban TCNS đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung lớn của dự thảo Nghị quyết liên quan đến sự cần thiết ban hành, mục tiêu, quan điểm ban hành Nghị quyết; hình thức và tên của Dự thảo Nghị quyết; phạm vi điều chỉnh, việc quy định chi tiết về kê khai và nộp thuế; vấn đề bảo đảm đầu tư và khả năng khiếu kiện; tổ chức thực hiện và điều kiện đảm bảo cho việc thi hành Nghị quyết.

Hải Liên

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.