Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Với lần tăng giá điện này, cộng với mức tăng giá hơn 55,9 đồng/kWh (tăng 3%) của ngày 4-5-2023, giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh từ đầu năm.

Đánh giá về tác động của việc tăng giá điện lần này, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết, mỗi tháng đối với khách hàng sinh hoạt sử dụng bậc 1 (từ 0-50 kWh), tiền điện tăng thêm là 3.900 đồng; bậc 2 (51-100 kWh) tăng thêm là 7.900 đồng; bậc 3 (101-200 kWh) tăng thêm là 17.200 đồng; bậc 4 (201-300 kWh) tăng thêm tối đa là 28.900 đồng; bậc 5 (301-400 kWh số tiền tăng thêm là 42.000 đồng; bậc 6 áp dụng cho 401 kWh trở lên có tiền điện tăng thêm là 55.600 đồng.

 

Theo tính toán của EVN, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Theo số liệu thống kê, năm 2022 cả nước có trên 1,27 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Với các ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, số tiền tăng thêm phụ thuộc vào hành vi sử dụng và tỷ lệ sử dụng điện ở từng thời điểm cao điểm và thấp điểm.

Trong đó, theo tính toán với ngành dịch vụ, tiền điện tăng thêm mỗi tháng là 230.000 đồng/tháng; với nhóm sản xuất, bình quân mỗi hộ phải trả là 423.000 đồng; với khách hàng hành chính sự nghiệp sẽ phải trả thêm là 90.000 đồng.

 Đại diện EVN trao đổi về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện.

Trả lời câu hỏi về việc tăng giá có đủ bù đắp chi phí và giúp EVN cân bằng được tài chính hay không, ông Nguyễn Đình Phước, Trưởng ban Tài chính Kế toán EVN cho hay, việc điều chỉnh tăng 4,5% giúp cho tập đoàn tăng thêm doanh thu là 3.200 tỷ đồng, giảm bớt phần nào khó khăn.

Mức tăng lần này vẫn thấp hơn giá thành sản xuất. Theo số liệu của EVN, giá thành sản xuất điện năm 2023 được ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh. Tuy nhiên, để đảm bảo an sinh xã hội và các chỉ tiêu kinh tế xã hội, nên EVN đề xuất tăng ở mức vừa phải.

Tin, ảnh: VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.