(Chinhphu.vn) – Ngày 04/11, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 (Bộ Tư pháp), Trung tâm Trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (PACC) và Đảng…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngô Đình Viện, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, Hội nghị này là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khối Doanh nghiệp lần thứ VI là “Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo; tăng cường đoàn kết, hợp tác; nâng cao năng lực cạnh tranh; DN phát triển bền vững; xây dựng Đảng bộ vững mạnh”.
Trong 3 năm qua, cộng đồng các DN gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như đại dịch COCID-19; xung đột vũ trang ở một số nước, thời tiết khắc nghiệt, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế… ảnh hưởng rất lớn đến phát triển KT-XH và hoạt động kinh doanh của DN.
Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, Đảng uỷ Khối đã kịp thời xây dựng các đề án, nghị quyết với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng DN, trong đó chú trọng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đối thoại, kết nối DN, doanh nhân, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,… phối hợp các ban, ngành liên quan hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN.
Thông qua hội nghị lần này nhằm giúp các DN có một cái nhìn toàn diện hơn về phương thức giải quyết tranh chấp thương mại; hiểu thêm những thuận lợi, khó khăn trong giải quyết tranh chấp thương mại, qua đó chủ động ứng phó, xử lý phù hợp với những tình huống, vụ việc phát sinh, hạn chế những tác động tiêu cực trong quá trình hoạt động kinh doanh của DN.
Trao đổi tại Hội nghị, TS. Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DN (Bộ Tư pháp) cho biết, trong bối cảnh phục hồi và phát triển hiện nay, các tranh chấp kinh doanh đang có dấu hiệu gia tăng, có nhiều DN đã bắt đầu phát hiện các “mầm mống” tranh chấp trong kinh doanh,… nhất là sau giai đoạn dịch COVID-19, khi mà DN gặp rất nhiều khó khăn, người lao động mất việc làm gia tăng, tìm kiếm việc làm ngày càng khó khăn.
Sự phát triển mạnh mẽ của thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động kinh doanh dần trở nên phổ biến… Trong bối cảnh đó, các DN cần thường xuyên cập nhật và nắm rõ xu thế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó những vấn đề pháp lý về giải quyết tranh chấp trong kinh doanh cần được coi trọng.
Từ các vấn đề thực tiễn hiện nay, ông Nguyễn Thanh Bình, đại diện Bảo Việt tỉnh Nghệ An (Tập đoàn Bảo Việt) và ông Nguyễn Thế Thái, Bưu điện tỉnh Nghệ An cùng đối thoại với TS. Trần Minh Sơn các nội dung trao đổi cụ thể, cập nhật các kiến thức về tranh chấp trong kinh doanh, nhấn mạnh phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại trong kinh doanh; lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp theo các mức độ: thương lượng, hòa giải, trọng tài hoặc tòa án; những cơ chế cụ thể về giải quyết tranh chấp cho DN…
Để giúp các đại biểu dễ tiếp cận các vấn đề liên quan, TS. Trần Minh Sơn cũng đã nêu vấn đề và thảo luận với ông Trần Văn Bình, Công ty Mía đường Nghệ An về cách thức giải quyết các tình huống, vụ việc cụ thể xảy ra trong thực tiễn; đồng thời giải đáp các băn khoăn của đại biểu về tranh chấp kinh doanh bằng trọng tài; việc lựa chọn tham gia tố tụng trọng tài ở Hà Nội hoặc TPHCM đối với DN kinh doanh và hoạt động tại Nghệ An; cơ chế hòa giải thương mại có được công nhận và cho thi hành ở Việt Nam; DN khi ký kết hợp đồng có thể tăng mức phạt lên trên 8% được không, khi có tình trạng DN sẵn sàng đơn phương chấm dứt hợp đồng và chấp nhận mức phạt 8% vì nếu tiếp tục thực hiện thì thiệt hại lớn hơn mức phạt trên…
LS