Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Yên Dung, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế”.
Bà Lê Yên Dung, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên phát biểu tại hội thảo. |
Vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia. Trong đó, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn mang tính dẫn dắt, định hướng, tạo cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế – xã hội.
Bà Lê Yên Dung nhấn mạnh, hội thảo thuộc Chương trình “nghiên cứu đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế số trong bối cảnh mới”, mã số KX.01/2021-2030, có vai trò quan trọng, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ mục tiêu, nội dung của chương trình, đồng thời chia sẻ một số quy định mới của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như kinh nghiệm trong xây dựng thuyết minh, tổ chức triển khai nhiệm vụ cấp quốc gia.
Nói về khái niệm của mô hình tăng trưởng, PGS, TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, mô hình tăng trưởng là tăng trưởng kinh tế theo cách thức sử dụng các nguồn lực kinh tế để đạt được các mục tiêu về kinh tế – xã hội và môi trường với mục đích cuối cùng và cao nhất là con người.
Toàn cảnh hội thảo. |
Mô hình tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững là mô hình tăng trưởng có sự kết hợp giữa yêu cầu sử dụng hiệu quả nguồn lực tăng trưởng và đảm bảo mục tiêu của tăng trưởng theo hướng bền vững và bao trùm.
PGS, TS Bùi Quang Tuấn cho rằng, Việt Nam có hai cơ hội vàng là dân số đông, trẻ tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhanh và cơ cấu dân số vàng là cơ hội để nghiên cứu các vấn đề mới liên quan đến mô hình tăng trưởng của Việt Nam.
Về thách thức để nghiên cứu các vấn đề mới liên quan đến mô hình tăng trưởng của Việt Nam đó là các vấn đề về số hóa, kinh tế số, xanh hóa, kinh tế xanh, an ninh phi truyền thống như: An ninh tài chính, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh mạng,… Do đó, Việt Nam cần phải chủ động sáng tạo trong nghiên cứu, mạnh dạn, dũng cảm trong đề xuất giải pháp kiến nghị đột phá cho mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới.
Tin, ảnh: LA DUY
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.