(Chinhphu.vn) – Ngày 31/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm về “Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp” với sự tham dự của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế, năng lượng để hệ thống hóa, phân tích,…
Điện năng nói riêng và năng lượng nói chung có vai trò và vị trí hết sức quan trọng, được coi là đầu vào của mọi đầu vào trong nền kinh tế. Thời gian qua, các chính sách về đầu tư, phát triển điện năng được Chính phủ, các bộ, ngành chức năng tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời, qua đó ngành điện đã phát huy tốt được vai trò của mình, tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống dân sinh, an ninh-quốc phòng của đất nước.
Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh – quốc phòng,… trong đó có yêu cầu bảo đảm cân đối lớn về điện.
Gần đây nhất, chiều ngày 28/10, để tránh lặp lại kịch bản thiếu điện cục bộ năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng những tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024.
Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến 5 khâu quan trọng của điện, gồm: Nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và nghiên cứu giá điện phù hợp.
Thủ tướng đã giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, cơ quan liên quan, yêu cầu các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động thực hiện hiệu quả trên nguyên tắc dứt khoát không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào.
Trong đó, giao Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chỉ đạo và phê duyệt việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng kịch bản chi tiết về cung ứng điện cho từng quý, từng giai đoạn, đặc biệt là trong những tháng mùa khô, bảo đảm khả thi, hiệu quả và phải có tính dự báo cao.
Là một sản phẩm hàng hóa đặc thù, phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, song ở khía cạnh xã hội, điện năng cũng là ngành trực tiếp phục vụ đời sống dân sinh… Trong bối cảnh đất nước ta còn nhiều khó khăn và để bảo đảm sự hài hòa về mục tiêu kinh tế gắn liền với thực hiện các mục tiêu xã hội, thời gian qua, việc tính toán chi phí giá thành đối với điện còn chưa được đầy đủ, vẫn mang màu sắc “bao cấp”, bù trì; sự phân định giữa giá điện phục vụ sản xuất, với giá điện các mục tiêu xã hội, mục tiêu an sinh nhiều lúc còn chưa rạch ròi, lằn ranh còn thiếu rõ nét, dẫn đến giá bán điện chưa được hạch toán đầy đủ giữa chi phí đầu vào và giá thành bán ra.
Để có cái nhìn tổng quan, sinh động, toàn diện về thực trạng nêu trên, việc giải bài toán về cấu thành giá điện giữa chi phí đầu vào và chi phí bán ra; so sánh giá bán điện trong sự tương quan về chi phí đầu vào với với các nước trong khu vực và trên thế giới, từ đó xác định những việc cần làm để có giá bán điện phù hợp, hướng tới cân đối, hài hòa được nhiều mục tiêu khác nhau, vừa đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh, vừa thu hút các nhà đầu tư vào phát triển, sản xuất điện năng,… ngày 31/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm về “Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp” với sự tham dự của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế, năng lượng để hệ thống hóa, phân tích, kiến giải, luận bàn về vấn đề này.
Xin trân trọng giới thiệu các vị khách mời tham dự Tọa đàm:
– Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc
– PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
– Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa
-TS. Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng
Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho PGS.TS. Trần Đình Thiên, thưa ông, có quan điểm cho rằng, giá bán điện hiện nay vẫn còn mang màu sắc “bao cấp”, bù trì. Lằn ranh về giá điện, việc hỗ trợ giá điện phục vụ các mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội, mục tiêu an sinh nhiều khi còn mờ nhạt, cào bằng? Quan điểm của ông như thế nào về quan điểm này?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Tôi nghĩ đấy không phải là một quan điểm, đấy là một thực tế. Cách lập luận xã hội chủ nghĩa in rõ nhất ở giá điện, giá lương thực như ngày xưa, nhưng bây giờ là thị trường rồi, giá xăng dầu cũng thị trường cơ bản rồi.
Còn giá điện thì chúng ta vẫn giữ mức giá Nhà nước quy định. Theo tinh thần giữ giá điện để hỗ trợ các lực lượng yếu thế, đấy là lập luận của chúng ta. Thế thì như thế giá điện có phần bù lại cho người mua đặc biệt là cho nhóm người yếu thế.
Tuy nhiên trên thực tế chúng ta thấy rằng nó không chỉ như vậy. Giá điện chung của chúng ta là cái giá mà tính bao cấp còn khá là nặng cho nên mức giá của chúng ta khá là thấp, đặc biệt là mấy năm gần đây chúng ta biết là chi phí về điện tăng rất là cao.
Cụ thể là, các điều kiện đầu vào, vốn liếng, tỉ giá hối đoái thậm chí giá các năng lượng khác nó rất là cao nhưng giá điện của chúng ta vẫn giữ giá rất là thấp thậm chí là tăng hầu như không đáng kể. Theo như tôi biết là có mấy phần trăm thôi, là mức tăng rất thấp.
Và theo đúng cái gọi là tinh thần của chúng ta là để hỗ trợ người lao động, để hỗ trợ xã hội trong lúc khó khăn. Tuy nhiên nó trả giá bằng câu chuyện là thị trường mất cân bằng, đặc biệt là bên sản xuất, EVN và nhiều doanh nghiệp sản xuất điện bị lỗ rất nặng. Đấy là cái mà chúng ta đang phải trả giá.
Có lẽ cái điều này là cái điều mà phải bàn rất là nghiêm túc trong thời gian tới bởi chúng ta tiến lên thị trường, cạnh tranh quốc tế mà đặt một mặt bằng giá như thế này thì đúng là khái niệm lằn ranh đỏ phải đặt ra. Tới đây phải đặt câu chuyện này nghiêm túc hơn nữa.
Từ sự phân tích của PGS.TS. Trần Đình Thiên, là chuyên gia về giá, ông có phân tích và nhận định như thế nào về những điểm bất hợp lý trong cơ cấu giá thành, cách tính giá điện như hiện nay, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, giá đầu vào của ngành điện như than, dầu, khí luôn biến động và neo cao?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Việc tính toán giá điện đã có những nguyên tắc nhất quán mà Chính phủ đã đề ra. Như là 6 tháng 1 lần nếu như các chi phí đầu vào qua kiểm toán, kiểm soát mà tăng thì buộc chúng ta phải điều chỉnh.
Tuy nhiên, chúng ta đã biết, Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, cho đến nay là 6 năm, chúng ta mới có 3 lần điều chỉnh. Về thời gian là không bảo đảm theo quy định.
Còn về nội hàm của giá điện, các lần điều chỉnh vừa qua đều không bảo đảm được nguyên tắc bù đắp cho chi phí sản xuất và có lợi nhuận cho sản xuất kinh doanh điện. Có nghĩa là tất cả những chi phí sản xuất đầu vào từ phát điện đến truyền tải, phân phối đến quản lý ngành, dịch vụ phụ trợ… tất cả những khâu đó tạo nên giá thành điện.
Nhưng khi quyết định giá, vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hay có những năm hỗ trợ dịch bệnh, thiên tai… chúng ta không tính đủ giá thành của điện vào trong giá.
Như năm ngoái, giá thành tăng 9,27% nhưng chúng ta chỉ điều chỉnh có 3%. Tất cả những điều đó đều gây khó khăn về nhiều mặt. Một là, dòng tiền để tiếp tục đầu tư kinh doanh, chưa nói đến tái sản xuất gặp khó khăn. Hai là, giá điện càng thấp thì nhà đầu tư không mặn mà đầu tư xây dựng hệ thống phát, truyền tải.
Giá điện thấp, nói là tốt cho sản xuất, kinh doanh, tốt cho đời sống nhưng vấn đề là khi đầu vào không thực, sản phẩm đầu ra không phản ánh đúng giá trị thị trường.
Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải vươn ra nguyên tắc thị trường để hạch toán, tính toán giá điện làm sao bảo đảm được nguyên tắc mà chúng ta đã đề ra.
Thưa ông Hà Đăng Sơn, ông có thể chia sẻ một số thông tin về cách tính giá điện đang được các nước trên thế giới áp dụng, thực hiện. Nhìn nhận trong sự tương quan với nước ta và các nước trong khu vực và trên thế giới, cách tính chi phí đầu vào, việc cấu thành giá bán điện ở nước ta có sự khác biệt như thế nào, có những điểm nào chưa ổn?
Ông Hà Đăng Sơn: Trên thế giới có nhiều mô hình định giá cho giá điện. Một số quốc gia có lợi thế về cung ứng năng lượng họ luôn luôn là các nước xuất siêu về mặt năng lượng, thông thường họ rất dễ dàng để đưa ra các cơ chế giá mang tính chất để ổn định kinh tế xã hội, đáp ứng các mục tiêu trong câu chuyện dân sinh xã hội. Ví dụ như Brunei hay các nước Trung Đông, hầu như giá năng lượng của họ rất thấp.
Thứ hai, là các nước phát triển, tiệm cận với các mô hình kinh tế phát triển thì họ sử dụng công cụ giá là công cụ để điều tiết kinh tế cũng như thay đổi hành vi người tiêu dùng. Cho nên chúng ta thấy rằng rất nhiều quốc gia họ định giá với mực độ thả nổi theo thị trường hoặc họ đưa ra những hợp đồng với tính chất có kỳ hạn và tương đối dài hạn nhưng với mức giá khá cao.
Và rõ ràng khi người tiêu dùng chi trả với mức giá cao, kể cả trong trường hợp không thay đổi theo thời gian thì ý thức tiêu dùngvề năng lượng của người dân cũng bị điều chỉnh bởi yếu tố giá. Do đó, họ không phải đối mặt với câu chuyện liên quan đến vấn đề điện thay đổi hay chi phí đầu vào thay đổi thì sẽ thực hiện như thế nào.
Như nước Đức họ đã duy trì 1 thời gian dài cơ chế giá điện bán cho các hộ gia đình ở mức độ trung bình thì phần mua điện đầu vào chỉ chiếm 1/4 chi phí người dân phải chi trả và phần còn lại liên quan đến chi phí truyền tải, phụ trợ, trợ giá cho năng lượng tái tạo và một loạt các loại thuế. Rõ ràng chi phí người dân phải trả rất là cao, khoảng 30 xu euro cho một số điện, 1 con số rất cao so với số tiền mà người dân Việt Nam đang chi trả. Đó là các nước phát triển họ sử dụng công cụ giá thì lúc đó mô hình sẽ đơn giản hơn.
Một nước gần chúng ta như Singapore chẳng hạn, họ có sử dụng cơ chế là Ban đại diện cạnh tranh. Họ cho các công ty tư nhân thoải mái chào các gói giá điện khác nhau.
Tuy nhiên, vừa rồi trong giai đoạn khủng hoảng năng lượng, với chi phí đầu vào nhiên liệu rất cao, Singapore cũng gặp khủng hoảng lớn về cung ứng năng lượng và hầu như các công ty cung ứng điện nhỏ lẻ đều bị đóng cửa, họ không thể tiếp tục kinh doanh được.
An ninh năng lượng của Singapore hoàn toàn phụ thuộc vào các công ty có phần vốn nhà nước điều tiết, đây là vai trò có cái gì đó tương tự như chúng ta. Khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn bởi biến động bên ngoài tác động thì vai trò của công ty mà do Nhà nước điều tiết quản lý sẽ cực kỳ quan trọng.
Quay lại một số quốc gia khác, ví dụ như Hàn Quốc cũng tương đối giống chúng ta là các giá điện trong công nghiệp họ áp dụng các hợp động khác và trong này cũng khác với Việt Nam là họ áp các gói giá công suất tức là kể cả không dùng nhưng cũng phải chi trả cho công suất đấy vì là một khách hàng đã cam kết.
Ngoài ra đối với hộ gia đình họ cũng đang áp dụng giá điện bậc thang, điều này khá tương đồng với Việt Nam, tuy nhiên mức giá cao hơn rất là nhiều.
Thách thức lớn nhất của chúng ta khi chúng ta hòa nhập với thị trường năng lượng thế giới thì chúng ta cũng phải chấp nhận câu chuyện cung cầu năng lượng trên thế giới, giá cả thế giới biến động và chi phí đầu vào cho năng lượng cũng như sản xuất điện năng của chúng ta nó cũng sẽ thay đổi rất lớn.