Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhắc tới báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả (12 dự án). Qua đó cho thấy việc xử lý tồn tại yếu kém của các dự án này đã đạt được những kết quả tích cực. Song, nhìn chung, kết quả đạt được còn rất chậm, vấn đề tồn tại chưa được xử lý.

 Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan khẩn trương, quyết liệt hơn, có biện pháp xử lý đồng bộ, cụ thể cả trước mặt và lâu dài, bao gồm cả những biện pháp về kinh tế và các biện pháp xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với 12 đại dự án nêu trên.

Trong đó, đối với dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc của Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, các báo cáo của Chính phủ đánh giá, dự án đã duy trì, chạy máy ổn định, an toàn, liên tục, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, đạt hiệu quả cao. Năm 2022, kết quả sản xuất kinh doanh đạt cao nhất từ trước đến nay, sản lượng sản xuất và tiêu thụ vượt kế hoạch, lợi nhuận đạt 1.779 tỷ đồng.

Nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà máy Đạm Hà Bắc (công ty) lại rơi vào khó khăn. Mặc dù nhiều chỉ tiêu cơ bản dự kiến sẽ đạt kế hoạch, nhưng theo thông tin từ công ty, chỉ riêng chỉ tiêu lợi nhuận sẽ không đạt, thậm chí tiếp tục lỗ hàng trăm tỷ đồng, lặp lại kịch bản như những năm trước năm 2022. Nguyên nhân là sau thời gian thị trường tiêu thụ có hướng đột biến theo hướng thuận lợi cho công ty thì năm 2023, thị trường đã trở lại điều kiện bình thường, giá phân bón giảm mạnh do nguồn cung trên thế giới dồi dào hơn.

Quang cảnh phiên họp chiều 31-10 tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Đặc biệt, gánh nợ tài chính của công ty hiện còn rất lớn, vượt quá khả năng của công ty do lãi suất vốn vay của dự án và lãi phạt quá cao. Đến nay, dư nợ vay của công ty chủ yếu thuộc về Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDP). Mặc dù sau 7 năm, công ty đã trả cho VDP tổng số tiền bằng 1,03 lần số giải ngân vay gốc, nhưng số tiền công ty hiện vẫn nợ VDP còn lớn hơn, bằng 1,34 lần số giải ngân vay gốc, gồm cả gốc và lãi, với lãi suất vay vốn bình quân theo hợp đồng là 10,8%/năm, cao nhất là 12%/năm, mức phạt chậm trả lãi là 150%/năm. Hằng năm, công ty phải trả chi phí lãi vay cho VDP khoảng 800 tỷ đồng. Trong đó, lãi phạt chậm trả, phạt chậm trả lãi khoảng 400 tỷ đồng. Đây mới là nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của công ty.

Trước tình hình trên, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã rất tích cực phối hợp xây dựng Đề án Cơ cấu lại tài chính và nợ của công ty để trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị sớm cơ cấu lại nợ cho Nhà máy Đạm Hà Bắc. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Ngày 29-12-2022, Bộ Chính trị đã có kết luận liên quan đến nội dung này. Trong đó đã giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp cơ cấu nợ cụ thể cho các dự án để tiếp tục hoạt động và phát triển, bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đến nay, sau gần 1 năm triển khai kết luận của Bộ Chính trị, các cơ quan liên quan vẫn chưa có cơ chế xử lý, giải quyết cụ thể. Trong khi chờ đợi, cán bộ, công nhân viên, người lao động của công ty đã và đang rất chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí, duy trì sản xuất, ổn định, tận dụng tốt cơ hội thị trường. Song cơ chế cơ cấu lại tài chính nợ cho công ty mới là giải pháp có tính quyết định giúp công ty xử lý tồn tại, vượt qua khó khăn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo quyết định cơ chế cụ thể đối với công ty.

THÙY LÂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.