Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, hiện nay các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp quân đội nói riêng đang nỗ lực xúc tiến thương mại để hồi phục kinh tế sau tác động của đại dịch Covid-19. Trong thời gian vừa qua, Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng đã tổ chức nhiều cuộc hội chợ để xúc tiến thương mại. Đồng chí đánh giá như thế nào về hiệu quả của hội chợ triển lãm Việt Nam- Campuchia 2023?

Thiếu tướng Trần Đình Thăng: Trong những năm qua, Cục Kinh tế đã tổ chức rất nhiều hội chợ xúc tiến thương mại trong lĩnh vực kinh tế tại nhiều thị trường quen thuộc, gắn bó với Việt Nam như Lào, Campuchia, Myamar, Thái Lan… đặc biệt là những địa bàn quen thuộc với chúng ta, những thị trường rất gắn bó với Việt Nam như Lào, Campuchia.

 Thiếu tướng Trần Đình Thăng-Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng

Hội chợ được tổ chức vào dịp rất đặc biệt khi Vương quốc Campuchia đang hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Quốc khánh và Ngày thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia (9-11-1953/9-11-2023). Hoạt động này vừa thể hiện truyền thống gắn bó giữa quân đội hai nước và cũng thể hiện chính sách đối ngoại quốc phòng của Việt Nam. Với Campuchia, chúng ta đã có mối quan hệ khăng khít từ lâu. Năm nay, chúng ta tổ chức Hội chợ với quy mô lớn hơn mọi năm, doanh nghiệp quân đội, doanh nghiệp trong nước cùng tham gia với những mặt hàng truyền thống như chè, cà phê, hạt điều, đồ gốm sứ… được người dân Campuchia ưa thích. Chỉ trong 5 ngày, đã có hơn 1 vạn người dân Campuchia đến tham quan, mua hàng tại triển lãm, rất nhiều gian hàng bị “cháy hàng” vì những sản phẩm của chúng ta phù hợp với nhu cầu của người dân Campuchia. Với doanh nghiệp quân đội, chúng tôi cũng đã kết nối được với một số khách hàng của những nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc… Hiện, các doanh nghiệp quân đội cũng đã ký được hơn 20 hợp đồng ghi nhớ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước đầu. Cục Kinh tế cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp quân đội lựa chọn những mặt hàng phù hợp hơn nữa, tạo ra dấu ấn để có thể tiến vào được những thị trường quan trọng như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.

Đại tướng Mao Sophan, Phó tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia kiêm Tư lệnh Lục quân Quân đội Hoàng gia Campuchia (ngoài cùng bên phải) tới thăm gian hàng của Công ty TNHH Một thành viên cơ khí hóa chất 13, Bộ Quốc phòng. Ảnh: THU HƯƠNG

PV: Thưa đồng chí, trong hội chợ lần này đã có những phương thức tổ chức sáng tạo, không chỉ diễn ra trên thực địa mà còn diễn ra trên không gian mạng. Xin đồng chí chia sẻ những hiệu quả với phương thức tổ chức này?

Thiếu tướng Trần Đình Thăng: Hội chợ triển lãm lần này không chỉ diễn ra trên thực địa mà chúng ta còn tổ chức cả trên không gian mạng, đây là một điều rất mới so với những hội chợ trước. Điều này rất quan trọng trong thời kỳ phát triển nền kinh tế số. Đồng thời, trong khuôn khổ hội chợ cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, giao lưu trên không gian mạng để kết nối các doanh nghiệp quân đội với các doanh nghiệp quốc tế. Chúng ta cũng ký được nhiều hợp đồng kinh tế số thông qua hình thức trực tuyến. Không chỉ xúc tiến thương mại tại Campuchia, dịp này chúng ta cũng đã đưa một đoàn doanh nghiệp quân đội qua Malaysia để tham quan, học tập, tìm cơ hội phát triển tại thị trường này.

PV: Qua những hội thảo tại hội chợ, Ban tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến của các doanh nghiệp. Ban tổ chức cũng rất có trách nhiệm trong việc tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp để cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Vậy sau hội chợ này, các đồng chí có kế hoạch như thế nào để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp?

Thiếu tướng Trần Đình Thăng: Sau hơn 2 năm đối phó với đại dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, yêu cầu về sản phẩm trên thị trường thế giới khắt khe hơn rất nhiều, sản phẩm phải sạch- xanh, tiết kiệm nhưng giá cả phải hợp lý. Vì lý do đó, chúng tôi đã tổ chức những buổi hội thảo giới thiệu về những tiêu chuẩn về hàng hóa xuất-nhập khẩu cho doanh nghiệp nắm rõ, tạo ra tiêu chuẩn cho doanh nghiệp quân đội hướng tới. Vì thế, thời gian qua, một số sản phẩm của chúng ta đã chinh phục được thị trường khó tính như Hàn Quốc, như: Sản phẩm hạt điều của Binh đoàn 16, sản phẩm cao su chất lượng cao của Binh đoàn 15… Mặt khác, chúng ta cũng cần thay đổi quan niệm, không chỉ có nhà nhập khẩu đi tìm sản phẩm mà bản thân nhà sản xuất cũng phải mang sản phẩm của mình quảng bá tới các thị trường trên thế giới. 

 Những sản phẩm truyền thống của Việt Nam được người dân Campuchia quan tâm. Ảnh: THU HƯƠNG

PV: Những kinh nghiệm rút ra từ Hội chợ này là gì, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Trần Đình Thăng: Xúc tiến thương mại thì bất kỳ quốc gia nào cũng phải làm và doanh nghiệp quân đội chúng ta cũng không nằm ngoài đặc thù đó. Chúng ta cần giới thiệu sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp quân đội với nước bạn. Với vai trò của đội quân lao động sản xuất xây dựng kinh tế thì quân đội ta không chỉ có tự lực cánh sinh, bảo đảm sức mạnh quốc phòng mà còn phải tạo ra những sản phẩm chất lượng cao để đưa ra thị trường thế giới. Muốn như thế thì một bài học quan trọng là phải trực tiếp tham gia vào những thị trường “khó tính” trên thế giới, có tiêu chuẩn cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore…

Chúng tôi luôn nghĩ rằng, các sản phẩm quốc phòng khó, đòi hỏi chất lượng, kỹ thuật cao mà chúng ta còn làm được thì những mặt hàng tiêu dùng đáp ứng được những thị trường khó tính thì chúng ta cũng làm được. Tuy nhiên, quan trọng là phải thâm nhập được vào các thị trường, từ bỏ tư duy bao cấp là chờ đợi họ đến tìm mình mà mình phải chủ động tìm đến họ. Đó là tư duy mới mà chúng tôi cùng các doanh nghiệp quân đội đang hướng tới, làm ra được những sản phẩm mới, bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế để chinh phục những thị trường khó tính nhất, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.

PV: Theo đồng chí thì thành công lớn nhất của hội chợ lần này là gì?

Thiếu tướng Trần Đình Thăng: Theo tôi, thành công lớn nhất là sự hiện diện của doanh nghiệp quân đội Việt Nam trên các thị trường lớn. Thông qua thị trường Campuchia, chúng ta có sức bật để hướng đến những thị trường khó tính trên thế giới. Đây cũng là những cuộc tập dượt cho doanh nghiệp quân đội để thời gian tới chúng ta sẽ tham gia những hội chợ lớn như châu Âu – một thị trường mà từ trước tới nay, rất ít doanh nghiệp của chúng ta bước chân vào được. Bởi, chúng ta có thế mạnh riêng, chúng ta có những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu cao của nền kinh tế thế giới. Cùng với đó, giá thành sản phẩm của ta rất hợp lý, phù hợp với tiêu chí của người tiêu dùng là xanh-sạch. Tôi tin tưởng rằng, chúng ta sẽ hiện diện tại những thị trường khó tính nhất. Đó là thành quả rất quan trọng chúng ta có được tại Hội chợ này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

CÙ HƯƠNG (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.