Cần và có thể làm một số đoạn cao tốc trên cầu cạn ngay

(KTSG) – Bộ Giao thông Vận tải vừa gửi Thủ tướng Chính phủ Công văn 11285/BGTVT-CQLXD ngày 5-10-2023 về việc nghiên cứu xây dựng cầu cạn khi triển khai các dự án cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm ký. Báo…

Fatz Admin lúc 2023-10-26

(KTSG) – Bộ Giao thông Vận tải vừa gửi Thủ tướng Chính phủ Công văn 11285/BGTVT-CQLXD ngày 5-10-2023 về việc nghiên cứu xây dựng cầu cạn khi triển khai các dự án cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm ký.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ trễ chín tuần, công văn viết: “Tiếp thu góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tại các hội thảo, diễn đàn, ý kiến của các Hội, Hiệp hội xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai xây dựng đề án nghiên cứu định hướng giải pháp xây dựng cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long để phát triển bền vững hệ thống hạ tầng giao thông nhằm đánh giá các giải pháp một cách khách quan, khoa học, cẩn trọng và toàn diện trên nhiều khía cạnh”.

Các nhà khoa học đã cảnh báo dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng sẽ sa lầy về thời gian và kinh phí vì thiếu cát; không bền vững vì nền đất rất yếu trên nhiều cung đoạn. Trong ảnh: Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Ảnh: H.P

Như vậy, nhưng những gì Bộ Giao thông Vận tải đang và sẽ triển khai vẫn mới chỉ là “nghiên cứu định hướng giải pháp”, mà chưa có bất cứ điều chỉnh đoạn cao tốc trên cầu cạn nào trên hai tuyến Cần Thơ – Cà Mau, và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng mà bộ đã duyệt xây dựng trên mặt đất.

QUẢNG CÁO

Câu cuối của Công văn 11285 viết rằng “Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả nghiên cứu của đề án và sử dụng cho các dự án đầu tư tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn tiếp theo”.

Nói cách khác, Bộ Giao thông Vận tải sẽ không điều chỉnh việc xây dựng hai cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng ngay trong giai đoạn 2021-2025 mặc dù các chuyên gia, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng: các dự án cao tốc sẽ sa lầy về thời gian và kinh phí vì thiếu cát; càng nạo vét cát thì sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu, xâm thực bờ biển sẽ càng trầm trọng thêm; cho dù có chấp nhận hai mối nguy này để xây bằng được hai cao tốc thì hai cao tốc cũng sẽ không thông suốt, không bền vững vì nền đất rất yếu trên nhiều cung đoạn(1).

Kỳ họp lần thứ 6 Quốc hội khóa XV đang diễn ra. Cử tri chờ đợi Bộ Giao thông Vận tải giải thích sẽ giải quyết những mối nguy kể trên như thế nào khi vẫn quyết tâm xây các cao tốc trên mặt đất trong khi giải pháp cần thiết và khả thi nhất hiện nay là phải chuyển đổi để xây dựng một số đoạn trên cầu cạn.

Những điều chỉnh là khả thi ngay trong năm năm 2021-2025 gồm thay đổi tổng mức đầu tư ở mức độ chấp nhận được so với lợi ích mang lại; không phải làm lại tất cả các thủ tục từ đầu. Cụ thể xin kiến nghị:

Hai tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đi qua những đoạn nền đất rất yếu, nhiều đoạn SPT từ 0-2 (đất chảy) cho tới độ sâu 13 mét. Vì vậy hãy xây dựng cao tốc trên các đoạn này trên cầu cạn, nếu được đi thẳng vào công nghệ bê tông siêu tính năng (UHPC) vừa nhẹ về tải trọng vừa có độ bền cao, nhiều công đoạn thi công được công nghiệp hóa. Các đoạn này bước đầu đã được nhận diện từ số liệu của các báo cáo khả thi đã được phê duyệt(1).

Những điều chỉnh này mang đến hiệu quả tổng hợp: giảm bớt lượng cát san lấp, không chia cắt cảnh quan, giảm bớt diện tích sử dụng đất và giải phóng mặt bằng, không tạo ra những phức tạp từ giao thoa thủy văn do các cao tốc trên mặt đất giao nhau, và nhất là tránh được sụt lún trong bối cảnh biến đổi khí hậu nước biển dâng. Và còn tiết kiệm được thời gian và kinh phí, tránh cho đất nước những món nợ đa chiều, đa thế hệ.

Những đoạn xây dựng trên cầu cạn này còn có ý nghĩa thí điểm cho việc xây dựng hệ thống cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long thông suốt, lâu bền, động lực cho phát triển bền vững vùng đất nhiều tiềm năng này.

(*) Giáo sư Tiến sĩ khoa học, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước, Chủ nhiệm Chương trình Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983-1990), đại biểu Quốc hội cac khóa IX, X, XI, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

(1) https://m.tapchixaydung.vn/thach-thuc-tinh-kha-thi-va-ben-vung-cua-cao-toc-can-tho-ca-mau-20201224000019846.html?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30

Nguyễn Ngọc Trân (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.