Dự án có chiều dài 49km, gồm 8km qua huyện Diên Khánh, 30,5km qua huyện Cam Lâm và 10km qua thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) với tổng vốn đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng.
Dự án được thông xe ngày 19-5 vừa qua nhưng tới nay chưa triển khai thu phí. Lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư xây dựng đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm (doanh nghiệp dự án) cho biết, đơn bị đang hoàn thiện 4 trạm thu phí gồm trạm đầu tuyến kết nối Quốc lộ 27C (huyện Diên Khánh), trạm Suối Dầu, trạm Cam Lâm và trạm cuối tuyến kết nối Quốc lộ 27B (thành phố Cam Ranh). Nhà điều hành trung tâm đặt tại Suối Dầu.
Cao tốc Nha Trang – Cam Lâm áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC). |
Cũng theo lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm, cao tốc Nha Trang – Cam Lâm là tuyến đầu tiên cả nước áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC) hoàn toàn. Xe không phải dừng khi thu phí giúp tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc và tiết kiệm nhiên liệu. Chủ đầu tư dự kiến đến ngày 30-12-2023 toàn bộ hệ thống ETC trên tuyến sẽ hoàn thành.
Trước đó, cao tốc được thiết kế 4 trạm thu phí, mỗi trạm có hai làn lối ra và hai lối vào. Trong mỗi lối ra vào sẽ gồm 1 làn ETC và 1 làn hỗn hợp, gồm ETC và MTC (thu phí một dừng). Sau khi điều chỉnh, lối vào trạm của tuyến được bố trí 1 làn ETC và làn dừng khẩn cấp, không có barie và cabin thu phí. Thiết bị camera gắn trên giá long môn sẽ tự động quét và đọc thẻ ETC dán trên ô tô qua trạm để trừ tiền.
Ở lối ra được điều chỉnh 2 làn ETC và 1 cabin thu phí, 1 barie tự động. Xe đi qua khu vực barie với tốc độ 60km/giờ, thay vì 40 km/giờ như trước.
“Các trạm thu phí gồm nhiều linh kiện và thiết bị không có sẵn trên thị trường mà phải đặt hàng như: Giá long môn, camera, biển báo, đèn…”, lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm thông tin.
Theo báo cáo của đơn vị thực hiện thi công lắp đặt hệ thống thu phí (Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Elcom) thì hệ thống thu phí sau khi lắp đặt, tích hợp phải thực hiện vận hành thử mức đơn động và thời gian để thực hiện cho mỗi trạm dự kiến là 10 ngày và đến ngày 8-12-2023 (theo tiến độ thực tế của đơn vị thi công lắp đặt trạm thu phí công ty Elcom) mới hoàn thiện bước thi công lắp đặt hệ thống thu phí, sau đó tiến hành vận hành thử mức hệ thống. Dự kiến đến ngày 30-12-2023 thì toàn bộ hệ thống ETC mới hoàn thành xây dựng.
Đại diện Phòng Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, thu phí không dừng có 4 giai đoạn: Trong đó khi số phương tiện dán thẻ thu phí không dừng đạt trên 90% có thể chuyển sang giai đoạn II, song, giai đoạn này vẫn còn sử dụng trạm barie nhưng khách hàng có thể trả tiền phí sau khi đi qua trạm. Còn đối với giai đoạn III là bỏ barie và giai đoạn IV là bỏ barie và bỏ trạm thu phí, chỉ có các thiết bị ETC treo trên giá long môn để xe qua tự do.
Với việc đã có tới hơn 95% phương tiện hoàn thành dán thẻ ETC thì dự án thu phí không dừng gần như đã đủ điều kiện để chuyển sang giai đoạn II.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, hiện Bộ đang yêu cầu các đơn vị chuẩn bị cho giai đoạn II và giai đoạn III của Đề án là thu phí mở, bỏ barie tại các trạm thu phí.
Theo đó, để thực hiện điều này việc trước tiên là cần điều chỉnh lại phần mềm và hệ thống thiết bị bởi khi bỏ barie tại các trạm thu phí, tốc độ xe chạy sẽ tăng lên, nhất là trên cao tốc. Về kỹ thuật không phức tạp tuy nhiên việc bỏ barie cũng cần phải có quy định cho phép chủ phương tiện trả phí sau.
TTXVN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.