(Chinhphu.vn) – Nhóm các nhà đồng tài trợ dự án Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái vừa có buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong khuôn khổ chương trình tìm hiểu và thẩm định dự án này. Nhóm các nhà tài trợ tìm…
Nhóm các nhà tài trợ dự án Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái gồm: Đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).
Đây là chuyến công tác chung của các nhà tài trợ tìm hiểu thực tế dự án Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái, mục đích làm rõ các quan điểm, nội dung liên quan của dự án, thảo luận về dự thảo bản chào điều kiện vay cơ bản (Term sheet) và tăng cường sự phối hợp giữa các nhà đồng tài trợ.
Dự án Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái có công suất lắp đặt 1200 MW (gồm 4 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 300 MW) với tổng mức đầu tư 21.000 tỷ đồng. Dự án sử dụng thiết bị công nghệ tích hợp bơm-tuabin đảo chiều và động cơ-máy phát đảo chiều hiện đại trên thế giới. Theo kế hoạch dự kiến, công trình chính sẽ được khởi công xây dựng vào quý I/2024 và hoàn thành trong quý IV/2030.
Đây là dự án thuộc danh mục các dự án nguồn điện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 về việc Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).
Dự án có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống điện quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh đang có nhiều nhà máy năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) được đưa vào vận hành trong hệ thống điện.
Nhiệm vụ chính của dự án là phát nguồn điện phủ đỉnh biểu đồ phụ tải của hệ thống, góp phần làm giảm sự chênh lệch (làm phẳng biểu đổ phụ tải) bằng việc huy động công suất bơm ở giờ thấp điểm và phát điện ở giờ cao điểm.
Tại buổi làm việc, nhóm tài trợ và các ban chuyên môn của EVN, Ban Quản lý dự án Điện 3, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4 đã trao đổi các thông tin liên quan đến công tác thẩm định dự án.
Trong thời gian từ nay đến ngày 20/10, đoàn công tác cũng thực hiện thẩm định dự án cả về mặt kỹ thuật và tài chính, kinh tế. Đây là nội dung cần thiết để các nhà đồng tài trợ quyết định việc cấp các khoản vay cho dự án.
Làm việc với các nhà đồng tài trợ, Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam nhấn mạnh, đây là dự án đầu tiên của EVN đối với mô hình thuỷ điện tích năng, góp phần vào mục tiêu hiện thực hoá cam kết của Việt Nam tại COP26.
Phó Tổng Giám đốc EVN mong muốn nhóm tài trợ sẽ phối hợp tích cực với các ban chuyên môn của EVN để hoàn thành công tác thẩm định dự án đúng tiến độ.
Toàn Thắng