Theo Bộ Giao thông vận tải, Đề án Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý (Đề án) nhằm tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả sử dụng khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng này.
Nội dung quan trọng tại Đề án là việc giao quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và việc bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Đoàn tàu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại một nhà ga. Ảnh: Vietnam+ |
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến hết năm 2030.
Sau khi Đề án được phê duyệt, giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; nghiên cứu xác định những tài sản phù hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giao tài sản theo hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về đường sắt và pháp luật khác có liên quan nhằm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia…
Bộ Giao thông vận tải cho hay, trong quá trình xây dựng Đề án, Bộ Giao thông vận tải đã cân nhắc 3 phương án. Trong đó, phương án 1 là việc Chính phủ thống nhất giao Bộ Giao thông vận tải (Cục Đường sắt Việt Nam) đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Với các việc sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, khắc phục hậu quả bão lũ bước 2, kiểm định, quan trắc và các công tác khác, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ định Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là tư vấn quản lý dự án công tác sửa chữa định kỳ; tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.
Phương án 2 là phương án đề xuất tại Tờ trình số 10865/TTr-BGTVT. Trong phương án 3, Bộ Giao thông vận tải giao dự toán để Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Đối với phương án 3, Bộ Giao thông vận tải cho biết, cần sửa một số quy định của pháp luật, cũng như đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ và tính khả thi không cao trong việc sửa đổi quy định pháp luật theo hướng trên. Do đó, sẽ dẫn đến chậm phê duyệt Đề án, cũng như chưa thể áp dụng thực hiện đối với công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho năm 2024 và các năm về sau.
TTXVN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.