Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, mặc dù mức tăng GDP này chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023 nhưng có xu hướng tích cực tăng dần theo các quý: Quý I tăng 3,28%; quý II tăng 4,05%; quý III tăng 5,33%.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,72%, đóng góp 8,03% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,19%, đóng góp 38,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,24%, đóng góp phần lớn vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế (53,34%).

GDP quý 3 năm 2023 tăng 5,33%. Ảnh minh họa: VGP

Cũng theo Tổng cục Thống kê, GDP tính chung 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước – chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.

Đáng chú ý, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2023 tăng khả quan so với cùng kỳ năm trước. Còn khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm.

Do đó, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2023 chỉ tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98%, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023.

Đặc biệt, các ngành thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 9 tháng năm 2023 tăng 6,32% so với cùng kỳ năm trước; nhiều ngành đóng góp tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như: Bán buôn và bán lẻ, vận tải, kho bãi, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và dịch vụ lưu trú, ăn uống…

Bảng so sánh tốc độ tăng GDP 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm 2022. 

 

 

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, kinh tế thế giới 9 tháng năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm; lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine phức tạp hơn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng.

Đối với Việt Nam, hầu hết các tổ chức quốc tế đều điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 so với trước đây dựa trên kết quả và dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và ảnh hưởng của kinh tế thế giới.

Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các giải pháp đã được tích cực thực hiện như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp; nâng thời hạn visa điện tử cho khách du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; công tác an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, thiết thực… Do đó, xu hướng tích cực hơn tiếp tục được duy trì và ngày càng rõ nét trong nhiều ngành và lĩnh vực.

ANH PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.