Lực cản từ hạ tầng giao thông yếu kém
Những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như thu nhập bình quân đầu người năm 2022 gấp 11 lần so với năm 2002, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2002-2020 đạt gần 8%/năm và cao nhất so với các vùng. Tuy nhiên, so với các vùng trong cả nước thì Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế như quy mô kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thu nhập bình quân đầu người vẫn ở mức thấp, chưa có địa phương nào trong vùng tự cân đối được ngân sách, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài hạn chế, giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao…
Cao tốc Liên Khương-Đà Lạt là cao tốc ngắn và duy nhất tại Tây Nguyên hiện nay. |
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ trong quá trình phát triển của Tây Nguyên, trong đó có nguyên nhân quan trọng là do kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, yếu kém. Tây Nguyên không có giao thông đường thủy, chưa có đường sắt, hệ thống giao thông đường bộ hầu hết được cải tạo, nâng cấp từ những tuyến giao thông cũ có từ trước năm 1975. Toàn vùng chỉ có 19km đường cao tốc từ sân bay Liên Khương nối với trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Các cảng hàng không trong khu vực gồm: Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương có công suất, quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu vận chuyển khách và hàng hóa nội địa, chưa có những chuyến bay trực tiếp, thường xuyên đến các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Sự yếu kém kể trên khiến khả năng kết nối vùng, liên vùng của Tây Nguyên bị hạn chế, làm tăng thời gian, chi phí vận chuyển, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, hạn chế thu hút đầu tư. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận: “Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Tây Nguyên chưa tương xứng với nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông cấp vùng, liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ, trục ngang chưa có tuyến cao tốc, chưa trở thành tiền đề, động lực để khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng”.
Đột phá bằng hệ thống cao tốc
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định rõ quan điểm: Lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông làm động lực, tạo dư địa cho phát triển vùng. Nghị quyết cũng đưa ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế.
Theo đồng chí Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, để tạo bước đột phá cho sự phát triển của Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung, việc đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Năm 2022, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai dự án cao tốc Dầu Giây-Liên Khương… Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng vì nhu cầu phục vụ sự phát triển, tỉnh Lâm Đồng quyết tâm khởi công dự án này vào cuối năm 2023. Đây cũng là dự án không sử dụng ngân sách Trung ương. Hiện nay, nhà đầu tư đã có, Lâm Đồng cũng đã chuẩn bị đủ nguồn vốn cho đoạn Tân Phú-Bảo Lộc 4.500 tỷ đồng, đoạn Bảo Lộc-Liên Khương 1.500 tỷ đồng, số còn lại do nhà đầu tư đóng góp. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2025, tuyến cao tốc này sẽ tăng cường kết nối Lâm Đồng nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo động lực để Lâm Đồng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, tại quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc lĩnh giao thông vận tải thì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên được quy hoạch theo hướng tích hợp, bảo đảm tính liên kết đồng bộ, phát huy lợi thế từng phương thức vận tải, trong đó việc phát triển hệ thống đường bộ cao tốc được xác định là ưu tiên hàng đầu. Cụ thể, đến năm 2030, khu vực Tây Nguyên sẽ đầu tư 8 tuyến cao tốc với chiều dài 830km, tổng số vốn đầu tư khoảng 151.000 tỷ đồng, trong đó đến năm 2025 phải hoàn thành đầu tư các tuyến cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Dầu Giây-Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương. Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành thêm một số tuyến cao tốc quan trọng khác gồm: Gia Nghĩa-Chơn Thành, Quy Nhơn-Pleiku, Kon Tum-Quảng Nam…
Tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ nhất vừa diễn ra tại TP Đà Lạt, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên khẳng định: Một trong những ưu tiên hiện nay là phải giải quyết câu chuyện kết nối giao thông. Cần sớm xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho Tây Nguyên nhằm tháo gỡ khó khăn, huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, góp phần khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực cho Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững.
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.