Tại hội nghị, Văn phòng Chính phủ đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phó thủ tướng Lê Minh Khái được phân công làm Chủ tịch Hội đồng.
Quang cảnh Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất. |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được các mục tiêu chung cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 78 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, cần xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của vùng, tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương (Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Đồng Tháp, Long An,…) trình bày các tham luận làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các cơ quan, đơn vị liên quan; các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện. Đồng thời đề xuất giải pháp và cơ chế chính sách đặc thù phát triển hệ thống logistic, các kho trữ lạnh nông sản của vùng. Giải pháp điều phối, liên kết vùng để Hội đồng điều phối vùng hoạt động hiệu quả; giải pháp phát triển kinh tế biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cơ chế chính sách đặc thù phát triển kinh tế biển. Chính sách đặc thù và một số giải pháp phát triển công nghiệp chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông sản của vùng. Giải pháp chính sách đặc thù đầu tư các công trình kết nối, liên vùng gồm các tuyến đường ven biển, cầu qua sông lớn kết nối các địa phương trong vùng…
Phó thủ tướng Lê Minh Khái kết luận tại hội nghị. |
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, cần tập trung vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả cao, tối ưu hóa về giá trị nông nghiệp; phát triển công nghệ về giống, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Tin, ảnh:THÚY AN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.