Phát biểu tại hội nghị, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đến cuối tháng 8-2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội ước đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,35% so với cuối năm 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc: 5,56%, cao hơn mức tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng: 8,35%); quy mô tín dụng của thành phố đứng thứ 2 toàn quốc, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó: Cơ cấu tín dụng tập trung ở ngành thương mại dịch vụ, chiếm tỷ trọng cao nhất 67,4% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố, tăng 11,3%. Một số ngành dịch vụ có dư nợ lớn, mức tăng trưởng cao như: Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; vận tải kho bãi; hoạt động dịch vụ khác,… đóng góp quan trọng cho mức tăng trưởng cao khu vực dịch vụ của thành phố. Tiếp đó là tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 30,8% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố, tăng 8,5%.
Các tổ chức tín dụng cũng đã quan tâm, tập trung cung ứng tín dụng đối với một số dự án giao thông trọng điểm, quan trọng của Thủ đô với tổng hạn mức cấp tín dụng là 12.468 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội là gần 39.000 tỷ đồng (chiếm hơn 32% tổng số dư gốc và lãi được cơ cấu toàn hệ thống) cho hơn 87.000 lượt khách hàng (chiếm hơn 70% tổng số lượt khách hàng toàn hệ thống).
Quang cảnh hội nghị Kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. |
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội chia sẻ: “Việc tiếp cận vay vốn ngân hàng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó, thủ tục rườm rà và thời gian xem xét phê duyệt khoản vay khá dài. Việc kiểm soát rủi ro càng được đề cao thì thời gian xem xét phê duyệt khoản vay càng dài. Với 1 khoản vay vốn ngắn hạn thông thường, thời gian xem xét phê duyệt từ 1-3 tháng và khoản vay trung hạn, dài hạn thì trung bình duyệt trong vòng 3 tháng. Thậm chí có những khoản vay tới 6 tháng hoặc dài hơn”.
Ông Sơn đề xuất, các ngân hàng cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 vào quy trình phê duyệt và gắn KPI bao gồm thời gian phê duyệt của từng bộ phận chuyên môn để rút ngắn thời gian trung bình trong vòng 1 tháng với tất cả các khoản vay. Đồng thời, cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, giữ nguyên tỷ lệ tài sản bảo đảm (nếu có) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, có thời gian thu xếp nguồn để trả nợ đúng hạn cho ngân hàng.
Để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực, cụ thể: Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu. Rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân. Chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn.
Tin, ảnh: ANH VIỆT
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.